Ngày 7/7, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp cùng Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo “Thu hút nguồn vốn đầu tư chất lượng cao thông qua hình thức hợp đồng đối tác công – tư (PPP)”.
Quang cảnh buổi hội thảo
Phát biểu khai mạc, bà Cao Thị Phi Vân – Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC) đưa ra một số thông tin về các dự án đã ký kết hợp đồng và đang triển khai thực hiện trên địa bàn thành phố.
Cụ thể, thành phố có 22 dự án với tổng mức đầu tư là 64.244 tỷ đồng, trong đó: 11 dự án đã hoàn thành công tác xây dựng hoặc đang trong giai đoạn thực hiện hợp đồng và 11 dự án chưa hoàn thành công tác thi công xây dựng. Về hình thức hợp đồng: có 12 dự án thực hiện theo hình thức hợp đồng BT (chiếm tỷ trọng 54,55%), 07 dự án thực hiện theo hình thức hợp đồng BOT (chiếm tỷ trọng 31,82%), 02 dự án thực hiện theo hình thức hợp đồng BOO (chiếm tỷ trọng 9,09%) và 01 dự án thực hiện theo hình thức hợp hợp đồng BT kết hợp BOT (chiếm tỷ trọng 4,55%).
Theo ông Châu Việt Bắc – Phó Tổng Thư ký VIAC, để phát huy những lợi thế mà PPP mang lại, việc cải thiện môi trường đầu tư, khuôn khổ pháp lý, cơ chế chính sách là điều hết sức cần thiết và cấp bách. Mặc dù đã xây dựng được một khung khổ pháp lý tương đối phục vụ cho việc triển khai các dự án PPP nhưng qua thời gian vận hành, thực tế cho thấy, nhiều điểm, quy định đã bộc lộ những hạn chế khiến doanh nghiệp cảm thấy không phù hợp.
Chính vì lý do đó, việc điều chỉnh, hoàn thiện khuôn khổ cơ sở pháp lý, rà soát lại khó khăn là rất quan trọng để có thể kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, tồn đọng cho doanh nghiệp, thu hút mạnh mẽ hơn nguồn vốn từ các nhà đầu tư chất lượng.
Ông Trương Trọng Nghĩa – Đại biểu Quốc hội, Luật sư thành viên Công ty Luật TNHH YKVN, Việt Nam hiện đang còn khó khăn trong việc huy động vốn cho các dự án cơ sở hạ tầng, ngân sách nhà nước phải dành 5,7% GDP để đầu tư cơ sở hạ tầng. Chính vì vậy, Việt Nam cần có những giải pháp thu hút đầu tư tư nhân nhằm giúp thu hẹp khoảng cách về cơ sở hạ tầng với các quốc gia khác.
Ông Trương Trọng Nghĩa – Đại biểu Quốc hội, Luật sư thành viên Công ty Luật TNHH YKVN
Bà Vũ Quỳnh Lê – Phó Cục trưởng Cục Quản lý và Đấu thầu – Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có những chia sẻ, phân tích sâu hơn về thực tiễn thực hiện Luật PPP và đặt ra một số vấn đề đối với nhà đầu tư. Bà Lê khái quát về khung pháp lý về PPP tại Việt Nam cũng như các văn bản điều chỉnh, hướng dẫn thực hiện luật này.
Có thể thấy, hệ thống văn bản pháp luật được ban hành đã phần nào điều chỉnh hiệu quả các lĩnh vực đầu tư và quy mô của các dự án PPP. Nhằm định hướng việc thực hiện hợp đồng một cách chặt chẽ, phụ lục Nghị định 35/2021/NĐ-CP đã ban hành hợp đồng mẫu dự án PPP, các Bộ, ngành cũng đã ban hành hướng dẫn về hợp đồng trong các lĩnh vực của mình phụ trách.
Bà Vũ Quỳnh Lê – Phó Cục trưởng Cục Quản lý và Đấu thầu – Bộ Kế hoạch và Đầu tư
TS. Lê Nết – Luật sư thành viên, Công ty Luật LNT&Partners, Trọng tài viên VIAC, nhằm tạo thuận lợi trong quá trình thực hiện dự án PPP, nhà đầu tư cần hiểu các điểm cơ quan nhà nước quan tâm và ngược lại, về phía cơ quan nhà nước cũng cần tạo điều kiện hỗ trợ nhà đầu tư.
Về mặt pháp lý, nên có những quy định rõ ràng, an toàn, thủ tục nhanh gọn. Về mặt tài chính, chi phí đền bù giải tỏa thỏa đáng, chia sẻ rủi ro và các chi phí khác với nhà đầu tư. Đặc biệt, có những cơ chế chính sách, ưu đãi đối với nhà đầu tư như cam kết không cạnh tranh, tiền thuê đất, thuế.