Nguồn gốc đất khai phá
Bà Phan Thị Đặng sinh năm 1964 (Ấp 2, xã Long Thạnh, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) có đơn kêu cứu gửi tới Báo Công Lý cho biết: gia đình bà được UBND huyện Thủ Thừa cấp Giấy CNQSDĐ số I 169869 ngày 20/12/1996 diện tích 52.612m2mang tên Phan Thị Đặng và Giấy CNQSDĐ số X 207893 ngày 09/9/2003 diện tích 27.003m2mang tên Hà Văn Đấu (chồng bà Đặng) nay có nguy cơ về tay người khác.
Vào khoảng năm 1988, bà Phan Thị Đặng mua lại phần đất trên từ ông Phan Huy Hùng (anh trai bà Đặng). Theo lời bà Đặng thì hai mảnh đất trên giá 05 chỉ vàng tổng diện tích là 79.615m2. Nguồn gốc đất này do UBND xã Long Thạnh giao cho ông Hùng, vì ông Hùng là Phó chủ tịch kiêm trưởng Công an xã nên được suất cấp đất vỡ hoang. Sau khi ông Hùng nhận đất xong liền bán (bằng miệng) lại cho bà Đặng ngay để bà vợ chồng bà cải tạo vỡ đất.
Bà Phan Thị Đặng chỉ khu đất đang bị ông Phan Huy Hùng tranh chấp
Vì đất hoang hoá, toàn bộ là cỏ dại và cây năng nên bà Đặng bán ½ số đất trên cho người em là Phan Thành Điệp (sinh năm 1968) với giá 2,5 chỉ vàng để hằng ngày hai chị em cùng khai phá cải tạo trồng lúa. Ba năm sau, năm 1992 ông Điệp khai phá được khoảng 1,5 ha thì không làm nổi nữa đành bán lại tất cả cho bà Đặng với giá 12 chỉ vàng. Kể từ đó vợ chồng bà Đặng vừa canh tác số đất mới khai phá vừa tiếp tục khai phá phần còn lại để trồng lúa.
Theo đơn kiện của ông Phan Huy Hùng cho biết năm 1987, ông Hùng làm đơn xin UBND xã Long Thạnh chấp thuận cấp 05 ha đất khai hoang để sản xuất. Khi nhận được đất xong thì giao lại cho bà Phan Thị Đặng ngay. Đến ngày 20/9/1994 được UBND huyện Thủ Thừa ra Quyết định số 620/UB.94 cấp 07 ha đất cho ông. Đầu năm 2017, ông Hùng kiện đòi lại đất vì cho rằng bà Đặng mượn đất không trả.
Các hộ lân cận nói gì?
Phóng viên tìm đến xã Long Thạnh để làm rõ nguồn gốc đất tranh chấp. Trao đổi với em ruột ông Hùng là ông Phan Thanh Sang (sinh năm 1970), ông Sang cho rằng biết bà Đặng mua lại phần đất của ông Hùng nhưng không chứng kiến tận mắt việc giao nhận tiền. Thời gian sau đó có thấy ông Phan Thành Điệp khai phá cải tạo đất cùng với vợ chồng bà Đặng. Còn ông Phan Huy Hùng không cải tạo đất hay thuê người làm trên đất đó.
Các hộ dân lân cận tới làm chứng cho công sức khai phá đất của vợ chồng bà Phan Thị Đặng.
Ông Sang cho biết thêm, mỗi khi nghỉ học ông Sang thường đến nhà bà Đặng chơi và phụ chị cải tạo đất. Do đất hoang vu không trồng trọt được, chỉ có vài ha đất cạnh sông có thể trồng lúa nên phải cải tạo từ từ, rất vất vả. Dù không trực tiếp chứng kiến việc trao tiền nhưng biết chắc bọn họ có mua bán với nhau. Thời đó bà Đặng nghèo, không đủ tiền mua nên có đi vay mượn của cha mẹ hai bên. Năm 1992, ông Điệp bán lại phần đất đã khai phá cho bà Đặng, sau đó về lập nghiệp ở Vũng Tàu. Qua bao lần dự đám giỗ, anh em trong nhà tề tụ đông đủ vẫn không thấy ông Hùng với bà Đặng xảy ra tranh chấp.
Chúng tôi tiếp xúc với các hộ dân lân cận, ông Trần Văn Hai cho biết, là người địa phương nên ông Hai biết rất rõ nguồn gốc đất trên là do bà Đặng mua lại của ông Hùng vào năm 1988. Những người được cấp đất thuộc diện cán bộ nên khi được giao đất là bán hoặc cho lại ngay, chứ không ai trực tiếp canh tác. Vì phần đất này ngày xưa hoang dã lắm, chỉ toàn là năng với cỏ dại. Vợ chồng bà Đặng bỏ nhiều công sức khai phá mới thành thuộc như hôm nay. Ông Hai có đất khai hoang cùng thời với bà Đặng nên biết rõ phần đất trên không ai tranh chấp. Nay ông Hùng đòi lại là không đúng vì không có công sức gì.
Giấy xác nhận việc công sức khai phá đất của ông Trần Văn Hai.
Ông Nguyễn Văn Bền, người giáp ranh đất bà Đặng cho biết thêm: “Khoảng năm 2000, nhà nước làm lộ N2 đi ngang qua, có làm thủ tục giải toả, đền bù cho vợ chồng bà Đặng mà không thấy ai tranh chấp. Nay ông Hùng khởi kiện là vô lý, không có cơ sở. Tôi là người địa phương, sinh sống tại đây từ năm 1975 đến nay biết rất rõ sự việc này. Ông Hùng không có công lao nào trên phần đất của bà Đặng, nếu toà xử ông Hùng thắng kiện thì tất cả xã này bất ngờ lắm vì ngày xưa mua bán qua lại có mảnh giấy nào đâu, chỉ nói miệng thôi”.
Giấy xác nhận việc công sức khai phá đất của ông Nguyễn Văn Bền.
Để có cái nhìn đa chiều hơn, chúng tôi tìm đến nhà ông Trần Thanh Hải, nguyên Bí thư xã Long Thạnh, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An (thời ông Hùng được cấp đất) ông Hải cho biết: “Vào năm 1987, căn cứ Nghị quyết của Cấp uỷ, UBND xã Long Thạnh về việc lấp kín vùng đất hoang phía bắc xã. Xét 50 ha đất của huyện đội Tân Trụ bỏ hoang, UBND huyện Thủ Thừa giao lại xã Long Thạnh quản lý, trước đó trồng mì sau không trồng nữa nên xã cấp cho dân khai phá. Đa phần là cán bộ xã được giao cấp đất nhưng không làm, bán lại hoặc giao cho người khác làm. Theo quy định của xã thời đó chỉ ra quyết định nhận đất tạm thời, nếu không vỡ đất canh tác trong vòng một năm là bị thu hồi ngay?”.
Chúng tôi đặt câu hỏi với ông Hải tại sao trong đơn xin cấp đất ông Hùng chỉ xin 05 ha, nhưng khi ra quyết định huyện Thủ Thừa lại cấp 07 ha. Ông Hải giải thích như sau: “Thời đó mỗi người chỉ được cấp 1 lô (2,5 ha), có lẽ ông Hùng xin 2 suất nên được 05 ha. Còn giấy Quyết định số 620/UB.94 ngày 20/9/1994 huyện cấp đất cho ông Hùng là không đúng. Vì khi nhận đất năm 1988, ông Hùng giao lại cho bà Đặng khai phá trồng lúa ngay. Năm 1993 – 1994, địa chính huyện xuống xã xác định lại mặt hậu của lô đất, lúc đó mọi người đã khai phá lố 200m hậu. Nên khi huyện ra quyết định giao đất cho ông Hùng có diện tích là 07 ha là vậy. Thật sự quyết định đó mang tên bà Đặng mới đúng vì chỉ mình vợ chồng bà Đặng khai phá mà thôi”.
“Một giọt máu đào hơn ao nước lã”
Như vậy qua những người lân cận cùng thời điểm đó đã cho biết ông Phan Huy Hùng không có công khai phá gì trên đất. Nếu ông Hùng nhận đất mà không làm thì một năm sau nhà nước cũng thu hồi. Đằng này nhiều người trong gia đình ông Hùng xác nhận là đã bán đất cho bà Đặng. Bà Đặng đêm ngày lầm lũi khai hoang, cải tạo đất nên phải hưởng công sức của mình.
Dẫu biết rằng “tấc đất tấc vàng” nhưng anh em ruột rà còn quý hơn gấp hàng vạn lần. Tình cảm trong gia đình là thứ tình cảm thiên liêng nhất trong đời sống chúng ta. Còn đâu:
"Anh em như thể tay chân
Rách lành đùm bọc, khó khăn đỡ đần"
Câu ca dao trên vẫn giữ nguyên ý nghĩa giáo dục nhưng qua câu chuyện trên anh ruột lại cắn đắng với em gái để rồi đưa nhau ra toà. Người đời có câu “của cải là vật ngoài thân”, thế nhưng người ta vẫn tranh giành từng tấc đất để rồi tình cảm bị rạn nứt. Một khi đã lôi nhau ra tòa, thì tình nghĩa anh em không còn được nguyên vẹn như xưa. Hy vọng qua bài báo này, người làm anh nên suy nghĩ lại, rút đơn làm lành để rồi anh em còn nhìn mặt nhau.