Tôi cho thuê nhà nhưng khi hợp đồng hết hạn người thuê nhà không chịu trả lại nhà. Xin báo tư vấn tôi phải làm sao đòi lại nhà?
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 121 Luật Nhà ở 2014, hợp đồng về nhà ở do các bên thỏa thuận và phải được lập thành văn bản. Pháp luật hiện nay không có quy định bắt buộc phải công chứng, chứng thực hợp đồng cho thuê nhà ở. Tuy nhiên, công chứng hợp đồng thuê nhà sẽ đảm bảo giá trị pháp lý và tạo điều kiện hơn cho các bên khi có tranh chấp xảy ra.
Theo quy định tại Điều 131 Luật Nhà ở 2014, khi rơi các trường hợp sau thì hợp đồng cho thuê nhà ở sẽ chấm dứt: Hợp đồng thuê nhà ở đã hết hạn; Trường hợp hợp đồng thuê nhà ở không xác định thời hạn chấm dứt thì sau 90 ngày, kể từ ngày bên cho thuê nhà ở thông báo cho bên thuê nhà ở biết việc chấm dứt hợp đồng. Hai bên thỏa thuận việc chấm dứt hợp đồng. Nhà ở để cho thuê không còn. Bên cho thuê nhà ở chết hoặc có tuyên bố mất tích của Tòa án mà khi chết, mất tích không có ai cùng chung sống.
Nhà ở cho thuê bị hư hỏng nghiêm trọng, có nguy cơ sập đổ hoặc thuộc khu vực đã có quyết định thu hồi đất, giải tỏa mặt nhà ở hoặc có quyết định phá dỡ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; nhà ở cho thuê thuộc diện bị Nhà nước trưng mua, trưng dụng để sử dụng vào các mục đích khác. Trường hợp này, bên cho thuê nhà phải thông báo bằng văn bản cho bên thuê biết trước 30 ngày về việc chấm dứt hợp đồng thuê nhà ở, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Thuê nhà không chịu trả xử lý thế nào?
Trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng theo quy định tại Điều 132 của Luật này.
Như vậy khi thuộc các trường hợp ở trên thì hợp đồng thuê nhà ở sẽ chấm dứt, người thuê nhà có nghĩa vụ phải trả lại nhà cho người cho thuê. Việc tiếp tục chiếm hữu nhà khi hợp đồng cho thuê đã chấm dứt là trái quy định của pháp luật.
Người cho thuê có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết. Thủ tục khởi kiện được thực hiện như sau, người khởi kiện nộp đơn kiện bao gồm các nội dung cơ bản được quy định tại khoản 4 Điều 189 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 như ngày, tháng, năm khởi kiện, tên Tòa nhận đơn khởi kiện, trực tiếp tại Tòa án hoặc gửi qua đường bưu điện. Tòa án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp về bất động sản là Tòa nơi có nhà ở cho thuê theo quy định điểm khoản 1 Điều 59 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015.
Hoặc nếu người thuê nhà đã bị xử phạt hành chính nhưng tiếp tục chây ì, không bàn giao nhà cho chủ sở hữu, thì bên cho thuê có quyền tố cáo ra cơ quan công an có thẩm quyền. Cơ quan công an có thể căn cứ vào đó để xem xét, xử lý hình sự về tội “sử dụng trái phép tài sản của người khác” theo điều 177, bộ luật Hình sự năm 2015.
Điều 177 quy định, người nào vì vụ lợi mà sử dụng trái phép tài sản của người khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng tài sản là di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 220 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm: Tài sản trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng; Phạm tội 02 lần trở lên; Tái phạm nguy hiểm.
Phạm tội sử dụng trái phép tài sản trị giá 1.500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.