Ghi nhận những mong muốn, phối hợp nghiên cứu, tìm kiếm phương pháp giảng dạy, học tập và thực hành tốt nhất cho cộng đồng người Việt tại nước ngoài là nhiệm vụ quan trọng, tạo điều kiện cho các em quay về xây dựng đất nước.
Ngày 18 /9, bà Vũ Thị Huỳnh Mai, Chủ nhiệm Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM đã có dịp dẫn đầu đoàn công tác đến thăm một lớp học của con em người Việt tại Trường Trung học Cơ sở Elsa Brandstrom, thành phố Linköping, Vương quốc Thụy Điển.
Cùng tham dự có ông Lê Sơn Hà, Chủ tịch Liên hiệp hội người Việt Nam tại Thụy Điển cùng các em học sinh gốc Việt như Vũ Khánh Linh, Nguyễn Hà Linh, Trần Gia Minh, Nguyễn Tấn Tài và Đỗ Trà Vi.
Chị Lưu Sally, Phó Chủ tịch Liên hiệp hội người Việt Nam tại Thụy Điển chia sẻ về lớp học.
Lớp học tiếng Việt chính là sự thành công của chị Lưu Sally, Phó Chủ tịch Liên hiệp hội người Việt Nam tại Thụy Điển, người sáng lập lớp học tiếng Việt và duy trì bền vững cho đến nay.
Tám năm về trước, chị Lưu Sally (tên thật Nguyễn Thị Lưu, là người Việt Nam ở Thụy Điển) nhận thấy việc phải dạy văn hóa, đặc biệt là dạy tiếng Việt cho các con em trong cộng đồng người Việt tại nước bạn là vô cùng cần thiết. Từ đó, chị ấp ủ dự định và tận dụng tối đa thời gian của bản thân để tham gia dạy tiếng Việt cho con em người Việt đang theo học ở các trường tại thành phố Linköping, vùng Östergötland.
Theo chị Lưu Sally, việc dạy tiếng Việt cho các em đòi hỏi kiến thức, sự nỗ lực, kiên trì rất nhiều từ người dạy. Vào độ tuổi dậy thì, các em đều có cá tính riêng, việc tìm kiếm phương pháp truyền đạt phù hợp, bám sát vào giáo trình đang học là vấn đề nan giải trong khoảng thời gian đầu thành lập lớp.
“Tôi vô cùng xúc động khi nghe các em nói được tiếng Việt ở đây, chỉ cần nghe các em nói vài tiếng dù chưa rõ ràng lắm cũng đã làm tôi cảm thấy công sức của mình thật xứng đáng”, chị Lưu Sally nói.
Các em học sinh tại lớp học tiếng Việt.
Chia sẻ tại buổi thăm hỏi của đoàn công tác, bà Sabina Carlsson, Hiệu phó Trường Elsa Brandstrom cho biết, nhà trường đánh giá cao việc cô Lưu tổ chức lớp dạy tiếng Việt cho các con em người Việt đang theo học tại trường. Việc học ngôn ngữ hay “tiếng mẹ đẻ” của các học sinh nước ngoài tại Thụy Điển nói chung và con em người Việt nói riêng là rất quan trọng. Điều này sẽ giúp các em hòa nhập với môi trường học và có thể tiếp cận các môn học theo từng cấp độ tại Thụy Điển một cách nhanh chóng và hiệu quả.
Điều đặc biệt và bất ngờ tại buổi thăm hỏi chính là mong muốn giản đơn nhưng là điều kiện để giúp các em học tiếng Việt một cách thuận lợi. Sau khoảng thời gian ngắn thảo luận, các em mong muốn được hỗ trợ tập viết chữ ô-ly để có thể luyện chữ viết dễ dàng và các tài liệu, sách in trên giấy để học thay vì những tài liệu học được số hóa theo xu hướng chuyển đổi số chung.
Lý giải về điều này, các em cho biết mình mong muốn được cầm trên tay những quyển sách vở vì có cảm giác như đang được học tại Việt Nam.
Lớp học cùng đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm.
Chủ nhiệm Vũ Thị Huỳnh Mai đã ghi nhận trên cơ sở những mong muốn của các em và sẽ có báo cáo cụ thể với Lãnh đạo Ủy ban nhân dân TP.HCM về vấn đề này.
Đoàn cũng sẽ phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM nghiên cứu các phương pháp dạy và học tiếng Việt, đặc biệt trong Đề án “Ngày Tôn vinh tiếng Việt” giai đoạn 2023-2030, nhằm mang đến những phương pháp học tập và thực hành tốt nhất cho cộng đồng người Việt tại nước ngoài, giáo dục các em trở thành những công dân có ích ở nước sở tại, có điều kiện quay về đóng góp cho quê hương, đất nước.