top

Tổng hợp 28 câu hỏi về di chúc và thừa kế

Thứ 2, 19-08-2024 | 04:17:43 admin

Quyền thừa kế là 1 trong những quyền quan trọng được pháp luật dân sự Việt Nam quy định. Tuy nhiên, không phải ai cũng nắm được các quy định này. Sau đây là 28 câu hỏi thường gặp trong pháp luật về quyền thừa kế.

Câu 1: Di sản thừa kế theo di chúc được chia như thế nào?

Việc phân chia di sản thừa kế được thực hiện theo ý chí của người để lại di sản thông qua di chúc. Trường hợp di chúc không xác định rõ phần của từng người thừa kế thì di sản được chia đều cho những người được chỉ định trong di chúc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Trường hợp di chúc xác định phân chia di sản theo hiện vật thì người thừa kế được nhận hiện vật kèm theo hoa lợi, lợi tức thu được từ hiện vật đó hoặc phải chịu phần giá trị của hiện vật bị giảm sút tính đến thời điểm phân chia di sản.

Trường hợp di chúc chỉ xác định phân chia di sản theo tỷ lệ đối với tổng giá trị khối di sản thì tỷ lệ này được tính trên giá trị khối di sản đang còn vào thời điểm phân chia di sản.

Câu 2: Ai không được quyền hưởng di sản thừa kế?

Những người sau đây sẽ không được hưởng di sản thừa kế:

i. Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó;

ii. Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản;

iii. Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nằhm hưởng 1 phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng;

iv. Người có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc; giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, huỷ di chúc, che giấu di chúc nằhm hưởng 1 phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản.

Tuy nhiên, những người nêu trên vẫn được hưởng di sản thừa kế nếu người để lại di sản đã biết hành vi của họ nhưng vẫn cho họ hưởng di sản theo di chúc.

Câu 3: Khi có người không đồng ý trong việc phân chia di sản thì giải quyết như thế nào?

Trường hợp có người không đồng ý trong việc phân chia di sản, pháp luật ưu tiên và khuyến khích các bên thỏa thuận với nhau. Nếu không tự thỏa thuận được với nhau thì có thể khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết.

Trường hợp di sản thừa kế có tranh chấp là đất đai thì phải tiến hành hòa giải trước tại Ủy ban nhân dân (“UBND”) cấp xã nơi có đất tranh chấp.

Câu 4: Di chúc bằng văn bản không công chứng, chứng thực có hợp pháp không?

Di chúc bằng văn bản không công chứng, chứng thực chỉ được coi là hợp pháp nếu có đủ các điều kiện sau:

i. Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép;

ii. Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.

Lưu ý: Công chứng, chứng thực là việc cá nhân/ tổ chức có thẩm quyền chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự khác bằng văn bản, bản dịch giấy tờ/văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc ngược lại.

Câu 5: Thủ tục khai nhận di sản thừa kế theo di chúc thực hiện như thế nào?

Thủ tục khai nhận di sản thừa kế được thực hiện như sau:

Bước 1: Nộp hồ sơ khai nhận di sản thừa kế tại một văn phòng công chứng;

Bước 2: Văn phòng công chứng kiểm tra hồ sơ;

Bước 3: Văn phòng công chứng thực hiện niêm yết việc thụ lý văn bản khai nhận di sản tại Ủy ban Nhân dân cấp xã trong thời hạn 15 ngày;

Bước 4: Sau 15 ngày nếu không có khiếu nại, tố cáo thì Văn phòng công chứng công chứng văn bản khai nhận di sản;

Bước 5: Người thừa kế xác nhận vào văn bản khai nhận di sản, đóng phí công chứng và nhận kết quả.

Câu 6: Nếu quan hệ cha con/mẹ con không thể hiện trên giấy khai sinh hoặc trường hợp không có giấy khai sinh thì chia tài sản như thế nào?

Trường hợp không có di chúc, di sản sẽ được chia theo pháp luật cho những người được xác định là có mối quan hệ cha con/ mẹ con. Giấy khai sinh là một trong những giấy tờ có thể chứng minh mối quan hệ cha con/mẹ con được pháp luật công nhận.

Do đó, việc mối quan hệ trên không thể hiện trên giấy khai sinh hoặc không có giấy khai sinh thì rất khó để xác định mối quan hệ cha con/ mẹ con.

Tuy nhiên vẫn có thể chứng minh mối quan hệ cha con/mẹ con bằng những các khác như sổ hộ khẩu hoặc yêu cầu UBND xã cấp bản sao giấy khai sinh trong trường hợp giấy khai sinh bị mất hoặc có kết quả ADN.

Câu 7: Nếu người chết không để lại di chúc thì ai có quyền hưởng di sản thừa kế? Cách chia như thế nào?

Trường hợp không để lại di chúc thì di sản sẽ được chia theo pháp luật. Di sản thừa kế được chia cho một hàng thừa kế và tuân theo thứ tự sau:

i. Hàng thừa kế thứ nhất: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

ii. Hàng thừa kế thứ hai: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

iii. Hàng thừa kế thứ ba: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

Lưu ý, những người thừa kế cùng hàng được hưởng di sản bằng nhau và những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước.

Câu 8: Di chúc miệng có hợp pháp hay không?

Di chúc miệng vẫn được xem là hợp pháp nếu người để lại di chúc thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và sau đó người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ.

Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày di chúc miệng được thực hiện như trên thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký và điểm chỉ của người làm chứng.

Nếu đáp ứng đủ các điều kiện trên thì di chúc miệng được coi là hợp pháp và những người có tên trong di chúc được quyền phân chia di sản theo di chúc.

Câu 9: Di sản không có người thừa kế thì xử lý như thế nào?

Trưởng hợp di sản không có người thừa kế thì tài sản còn lại sau khi đã thực hiện nghĩa vụ về tài sản sẽ thuộc về nhà nước.

Câu 10: Con riêng có được hưởng thừa kế của mẹ kế, cha dượng không?

Con riêng nếu có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng với cha dượng, mẹ kế như con ruột thì được thừa hưởng di sản như con ruột.

Câu 11: Con nuôi có được hưởng thừa kế như con ruột?

Con nuôi và con ruột cùng thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người chết, do đó con nuôi có quyền thừa kế di sản của cha mẹ nuôi như con ruột.

Câu 12: Con đang trong bụng mẹ có được hưởng thừa kế từ cha không?

Con đang trong bụng mẹ vẫn có thể được hưởng thừa kế từ cha.

Pháp luật Việt Nam quy định cá nhân thành thai trước khi người để lại thừa kế chết và còn sống sau khi sinh ra thì sẽ được hưởng thừa kế phần di sản thừa kế.

Lưu ý, trường hợp người đó chết trước khi sinh ra thì những người thừa kế khác được hưởng phần di sản thừa kế đó.

Câu 13: Con dâu có được quyền hưởng thừa kế tài sản của cha/ mẹ chồng?

Trong các trường hợp được thừa kế theo pháp luật thì con dâu không nằm trong hàng thừa kế, do đó con dâu không được hưởng di sản thừa kế theo pháp luật của cha mẹ chồng để lại.

Tuy nhiên, con dâu vẫn có quyền hưởng thừa kế của cha mẹ chồng trong hai trường hợp sau:

i. Cha mẹ chồng chết có để lại di chúc cho con dâu.

ii. Con dâu được hưởng thừa kế từ chồng. Đây là trường hợp người chồng chết sau khi cha mẹ chồng chết.

Câu 14: Cháu có được hưởng thừa kế của ông/ bà để lại?

Trường hợp cha/ mẹ chết trước hoặc cùng thời điểm với ông/ bà thì cháu được hưởng di sản mà cha/ mẹ cháu được hưởng nếu còn sống.

Trường hợp nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng thời điểm với ông/ bà thì chắt được hưởng nếu còn sống.

Câu 15: Người “dưng” có được hưởng thừa kế theo di chúc không?

Người lập di chúc có toàn quyền trong việc để lại di sản của mình cho người thừa kế kể cả người dưng.

Việc để lại tài sản bằng di chúc chỉ có hiệu lực khi di chúc đó hợp pháp theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, người này không được thừa hưởng toàn bộ di sản nếu người để lại di chúc có những người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc bao gồm:

i. Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;

ii. Con thành niên mà không có khả năng lao động.

Câu 16: Người thừa kế có được từ chối nhận tài sản thừa kế không? Thủ tục như thế nào? Đã từ chối nhận di sản thừa kế có được đổi ý không?

Người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản trừ trường hợp việc từ chối này nhằm trốn tránh thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác.

Việc từ chối di sản này phải lập thành văn bản và gửi đến người quản lý di sản, những người thừa kế khác, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản để những người này biết và việc từ chối phải được thể hiện trước thời điểm phân chia di sản.

Việc từ chối nhận di sản thừa kế sẽ phát sinh hiệu lực nếu người thừa kế từ chối nhận di sản hoàn toàn tự nguyện, không bị ép buộc và đã thực hiện bằng văn bản.

Do vậy, họ không có quyền đổi ý.

Câu 17: Di sản thừa kế là bất động sản ở nước ngoài thì có được chia thừa kế không?

Di sản thừa kế là bất động sản ở nước ngoài thì việc chia thừa kế sẽ được xác định theo pháp luật của nước nơi có bất động sản đó.

Câu 18: Đã ly hôn thì có được thừa kế tài sản của vợ/chồng cũ không?

Một người vẫn được hưởng thừa kế tài sản của vợ/ chồng nếu vợ/ chồng chết khi hai vợ chồng đang trong thời gian giải quyết ly hôn tại Tòa án.

Trường hợp đã hoàn tất thủ tục ly hôn thì cá nhân này không còn được liệt kê vào hàng thừa kế thứ nhất khi chia thừa kế của vợ/ chồng cũ.

Do đó người này không có quyền được nhận thừa kế.

Câu 19: Một người có thể để lại tài sản theo di chúc cho người mang quốc tịch nước ngoài không?

Pháp luật Việt Nam không có quy định giới hạn quyền để thừa kế cho người nước ngoài hoặc người nước ngoài nhận di sản của người mang quốc tịch nước ngoài từ người Việt Nam.

Do vậy, người Việt Nam vẫn có thể thực hiện để lại di sản cho người mang quốc tịch nước ngoài nếu di chúc hợp pháp theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, cần lưu ý quyền nhận di sản của người nước ngoài vẫn sẽ gặp một số hạn chế nếu di sản là bất động sản.

Câu 20: Di chúc lập bằng tiếng nước ngoài có hợp pháp không?

Di chúc được lập bằng tiếng nước ngoài vẫn được xem là hợp pháp nếu bản di chúc đó được dịch ra tiếng việt và được công chứng, chứng thực.

Câu 21: Người thừa kế chết trước người để lại di sản thì phần di sản thừa kế được chia như thế nào?

Trường hợp người thừa kế chết trước người để lại di sản thì phần di sản thừa kế mà đúng ra người đó được hưởng sẽ được để lại cho con của người đó.

Câu 22: Những người thừa kế đã chia di sản nhưng bất ngờ xuất hiện người thừa kế mới thì giải quyết như thế nào?

Trường hợp đã phân chia di sản nhưng xuất hiện người thừa kế mới thì không thực hiện việc phân chia lại di sản bằng hiện vật.

Tuy nhiên, những người thừa kế đã nhận di sản phải thanh toán cho người thừa kế mới một khoản tiền tương ứng với phần di sản của người đó tại thời điểm chia thừa kế theo tỷ lệ tương ứng với phần di sản đã nhận.

Câu 23: Người nước ngoài có thể lập di chúc tại Việt Nam? Cần điều kiện gì để có hiệu lực?

Người nước ngoài có thể lập di chúc ở Việt Nam nhưng bắt buộc phải tuân theo quy định của pháp luật Việt Nam về hình thức di chúc.

Điều kiện để di chúc của người nước ngoài được lập tại Việt Nam được xem là hợp pháp là:

i. Người lập di chúc cần toàn quyền quyết định nội dung của di chúc theo ý chí của mình và không bị ảnh hưởng tác động bởi người khác;

ii. Người lập di chúc không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép;

iii. Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội;

iv. Hình thức di chúc không trái quy định của pháp luật.

Câu 24: Một người không thực hiện nghĩa vụ phụng dưỡng cha mẹ có được hưởng thừa kế?

Về mặt đạo đức, con cái phải có nghĩa vụ chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ. Tuy nhiên, pháp luật dân sự vẫn tôn trọng ý chí của người để lại di chúc.

Do đó, con không phụng dưỡng cha mẹ vẫn có quyền hưởng thừa kế của cha mẹ trừ một số trường hợp không được hưởng thừa kế như được đề cập tại Câu 2 ở trên.

Câu 25: Sổ tiết kiệm ngân hàng có phải di sản để thừa kế không?

Sổ tiết kiệm ngân hàng được xem là một loại giấy tờ ghi nhận quyền sở hữu tài sản của người đứng tên trên sổ, mà tài sản chính là số tiền gửi tại ngân hàng.

Trường hợp sổ tiết kiệm là tài sản riêng của người đứng tên thì khi chủ sở hữu sổ tiết kiệm chết thì số tiền trong sổ tiết kiệm ngân hàng được coi là di sản để thừa kế.

Trường hợp sổ tiết kiệm là tài sản chung của hai hoặc nhiều người thì khi người đứng tên chết, số tiền trong sổ được xem là tài sản chung. Khi đó chỉ riêng phần tài sản của người chết trong sổ tiết kiệm mới được xem là si sản thừa kế.

Câu 26: Đất không có Giấy CNQSDĐ có được chia thừa kế không?

Trường hợp không có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì vẫn có thể được chia thừa kế.

Tuy nhiên cần lưu ý rằng người để lại di sản phải có văn bản của UBND cấp có thẩm quyền xác định là đất đó là hợp pháp hoặc văn bản của UBND cấp có thẩm quyền cho biết rõ là việc sử dụng đất đó không vi phạm quy hoạch và có thể được xem xét để giao quyền sử dụng đất.

Câu 27: Có phải nộp thuế thu nhập cá nhân (“Thuế TNCN”) khi nhận thừa kế không?

Chỉ khi di sản thừa kế là bất động sản, tài sản khác phải đăng ký, chứng khoán, phần góp vốn trong các tổ chức kinh tế, cơ sở kinh doanh thì người thừa hưởng phải nộp Thuế TNCN.

Lưu ý, trường hợp nhận thừa kế là bất động sản từ người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng như giữa: vợ với chồng; cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ; cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi,… thì không phải nộp Thuế TNCN.

Câu 28: Có được ủy quyền cho người khác thỏa thuận phân chia di sản hay không?

Cá nhân vẫn có thể ủy quyền cho người khác đại điện cho mình thực hiện thỏa thuận phân chia di sản thừa kế.

Tuy nhiên người đại diện không được là một trong số những người nhận thừa kế./.

PV

BÌNH LUẬN & CHIA SẺ

Đang tải bình luận,....

Đọc thêm

Thứ 7 | 10/08/2024 | Lượt xem: 246 | Tác giả: admin

C  ó thể yêu cầu cơ quan đăng ký hộ tịch hoặc tòa án xác định người đó không phải là con mình, từ đó mới có căn cứ yêu cầu không cấp dưỡng nuôi con.

C  ó thể yêu cầu cơ quan đăng ký hộ tịch...

Thứ 7 | 03/08/2024 | Lượt xem: 117 | Tác giả: admin

Khi ly hôn thì tài sản đã chia chác xong, còn gì để mà hưởng. Nếu được để lại di chúc hợp lệ thì được hưởng như mọi người khác.

Khi ly hôn thì tài sản đã chia...

Thứ 4 | 07/08/2024 | Lượt xem: 122 | Tác giả: admin

Trường hợp này nếu chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính về thuế đối với nhà nước thì chưa thể thực hiện thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất , tài sản gắn liền với đất được.

Trường hợp này nếu chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ...

Thứ 7 | 03/08/2024 | Lượt xem: 88 | Tác giả: admin

Nếu mẹ mất sau anh trai thì người e m sẽ được hưởng phần di sản là nhà đất của anh, phần di sản này thuộc hàng thừa kế thứ nhất.

Nếu mẹ mất sau anh trai thì người e m sẽ được hưởng phần...

Thứ 4 | 02/10/2019 | Lượt xem: 760 | Tác giả: banbientap

Đời sống xã hội phát triển ngày càng phong phú và đa dạng, đòi hỏi pháp luật có những “điều chỉnh” kịp thời. Các cơ quan tố tụng Trung ương, cụ thể là Tòa án Nhân dân Tối cao  thường xuyên có những văn bản hướng dẫn vận dụng pháp luật, đáp ứng yêu cầu về sự phát triển của xã hội.

Đời sống xã hội phát triển ngày càng...

Thứ 7 | 22/02/2020 | Lượt xem: 659 | Tác giả: admin

Nếu bên bán có đầy đủ căn cứ để chứng minh chữ ký của mình bị giả mạo, và tiến hành kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm thì hợp đồng chuyển nhượng đất lúc này sẽ bị Toà án tuyên vô hiệu do người ký không có thẩm quyền ký.

Nếu bên bán có đầy đủ căn cứ để chứng minh chữ...

Thứ 7 | 03/08/2024 | Lượt xem: 282 | Tác giả: admin

Hộ gia đình được Nhà nước giao đất trước ngày Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực thi hành thì được tiếp tục sử dụng đất trong thời hạn sử dụng đất còn lại. Khi hết thời hạn sử dụng đất thì được gia hạn sử dụng đất theo hình thức cho các cá nhân là thành viên hộ gia đình .

Hộ gia đình được Nhà nước giao đất trước ngày Luật...

Thứ 2 | 02/09/2019 | Lượt xem: 696 | Tác giả: admin

Liên quan đến vấn đề này theo quy định của pháp luật tại Điều 13 luật Doanh nghiệp quy định về Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.....

Liên quan đến vấn đề này theo quy định của pháp luật tại...

Thứ 6 | 30/08/2024 | Lượt xem: 160 | Tác giả: admin

Trường hợp vợ anh chết không để lại di chúc, vì đây là tài sản có thể do nhiều người thừa kế, do đó anh cần lập văn bản thỏa thuận với các đồng thừa kế còn lại về việc để anh là người đại diện đứng tên trên giấy chứng nhận cho cả phần của người vợ đã chết.

Trường hợp vợ anh chết không để lại di chúc, vì...

Thứ 6 | 26/07/2024 | Lượt xem: 108 | Tác giả: admin

Khi đã chứng minh được đó là tài sản riêng của vợ/chồng thì thế chấp ngân hàng không cần phải có chữ ký của vợ/chồng , tuy nhiên phải viết cam kết các khoản chi phí khác không liên quan tới người khác.

Khi đã chứng minh được đó là tài sản...