Nhiều hình thức “đi chợ hộ” với sự tham gia của nhiều tổ chức, đơn vị đã và đang được triển khai tại TP.HCM. Chính quyền và ngành chức năng thành phố cũng đã tạo điều kiện tối đa cho các đơn vị hoạt động với phương châm vừa bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh vừa đáp ứng nhu cầu của người dân.
Ngày đầu điểm trung chuyển chợ Bình Điền hoạt động chở lại (Ảnh: Ngọc Phượng)
Thực hiện Công văn số 970 ngày 18/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập “Tổ công tác đặc biệt” về phòng, chống dịch Covid-19; Nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động trong tình hình dịch bệnh, xây dựng các phương án duy trì sản xuất tại các địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16; Xây dựng phương án đảm bảo an toàn cao nhất trong khu vực sản xuất để đảm bảo thúc đẩy mạnh hơn nữa sản xuất, chế biến tại các tỉnh chưa bị hoặc nguy cơ dịch bệnh Covid-19 chưa cao;
Tăng nguồn cung phục vụ nhu cầu tại chỗ, đồng thời cung ứng kịp thời lương thực, thực phẩm cho các địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.trách nhiệm phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tháo gỡ vướng mắc, tạo điều kiện cho việc lưu thông, cung ứng các yếu tố đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp, tiêu thụ nông sản...Bộ NN&PTNT đã thành lập Tổ công tác đặc biệt được thành lập do Thứ trưởng Trần Thanh Nam làm tổ trưởng (Tổ công tác 970).
Tổ công tác 970 đã và đang triển khai chương trình bán combo nông sản 10kg trên địa bàn TP.HCM. Bước đầu đã khắc phục những khó khăn về điểm tập kết hàng hóa và giao hàng cho người dân. Lượng đặt hàng combo nông sản 10kg tăng không ngừng đã góp phần tiêu thụ nông sản cho nông dân tại nhiều tỉnh thành khu vực phía Nam đáng kể. Ngoài TPHCM, thì các tỉnh, thành phố khác cũng lập tổ công tác tương tự Tổ công tác 970 để tháo gỡ vấn đề sản xuất, tiêu thụ nông sản trên địa bàn, phối hợp các địa phương thúc đẩy các vấn đề cụ thể để bổ sung, tháo gỡ khó khăn cho người dân.
Combo nông sản 10kg chuẩn bị được giao cho khách hàng (Ảnh: Minh Hải)
Tối ngày 7/9, tại chợ đầu mối Bình Điền, phóng viên ghi nhận hàng loạt xe chở các mặt hàng thiết yếu như: hải sản, rau củ, thịt heo… tử các địa phương đổ về chợ đầu mối để tập kết trung chuyển đi các nơi khác. Cổng ra vào chợ đầu mối Bình Điền được nhân viên bảo vệ kiểm tra nghiêm ngặt về quy định phòng, chống dịch Covid-19. Việc kiểm tra rà soát kỹ đảm bảo khách hàng và thương nhân được tiêm đủ 2 mũi vắc xin và có xét nghiệm âm tính. Tài xế vào chợ phải đăng ký số hiệu xe, chủng loại hàng hóa, lịch trình trước 12 giờ. Khách hàng cũng phải đăng ký trước, khai báo y tế kèm chứng nhận âm tính COVID-19 mới được vào chợ.
Sở Công thương TP.HCM đã đề nghị chợ Bình Điền bố trí mặt bằng thông thoáng, rộng rãi giữ khoảng cách theo quy định cho các thuơng nhân giao dịch. Thực hiện khử khuẩn thường xuyên toàn khu vực, đảm bảo giãn cách sau mỗi buổi tập kết, trung chuyển hàng hóa. Chợ chỉ được thực hiện việc giao – nhận hàng hóa, không tổ chức giao dịch, sơ chế, đóng gói hoặc mua bán.
Theo Sở Công thương TP.HCM, tính tới đầu tháng 9 đã có 33 đơn vị trên địa bàn 21 quận, huyện và TP Thủ Đức đăng ký hoạt động trở lại. Trong đó với 22.124 shipper sẵn sàng phục vụ. Tính tới 01/9, TP đã cấp hơn 57.000 giấy đi đường cho nhân viên các chuỗi cung ứng, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu để đảm bảo nguồn hàng phục vụ người dân TP.HCM.
Cộng tác viên Bách hóa Xanh giao hàng tận nhà cho khách hàng
Đại diện Grab cho biết, trong thời gian tới đơn vị sẽ tăng dần số lượng tài xế thêm nữa để đáp ứng nhu cầu “đi chợ hộ” cho người dân. Đơn vị BeGroup và Ahamove hứa sẽ tăng dần số lượng hơn 1.000 shipper hoạt động ở “vùng đỏ”, đảm bảo nhu cầu khách hàng. Đại diện Lazada cũng cho biết ngay khi các shipper được hoạt động trở lại, sàn đã giao thành công hàng chục ngàn đơn hàng, dự kiến còn tăng.
Hãng xe Thành Bưởi cho biết sẽ cùng các đơn vị cung ứng khác vận chuyển hàng hóa cho người dân trên địa bàn TP.HCM. Tuy nhiên, việc Thành Bưởi giao hàng bằng xe lớn sẽ không thể vào hẻm nên khách hàng ra đầu hẻm hoặc ra các chốt để nhận hàng. Thành Bưởi là hãng xe chuyên chở khách và hàng hóa liên tỉnh, vì khan hiếm shipper nên đã tham gia phục vụ người dân các Quận 1, 3, 4, 5, 7, 10 và Phú Nhuận.
Còn phía Bách hóa Xanh cũng đã chuyển đổi mô hình cung ứng để phù hợp bối cảnh khách hàng không đến được siêu thị nhưng vẫn đi chợ được. Cụ thể, gần 2.000 nhóm Zalo được hình thành, trong đó tại TP.HCM có hơn 560 nhóm được thiết lập. Mỗi nhóm đại diện cho từng cửa hàng Bách hóa Xanh có bán kính 2-3km kết nối trực tiếp với khách hàng.
Qua các link đặt hàng trong nhóm, khách hàng có thể lựa chọn sản phẩm trên web tương tự như đang lựa tại siêu thị. Chốt đơn xong nhân viên trực tiếp liên hệ, giao hàng cho khách hoặc thông qua lực lượng “đi chợ hộ” của chính quyền địa phương.
Sau 2 ngày áp dụng, các nhóm Zalo tăng số người tham gia tới hàng triệu thành viên, trung bình mỗi ngày phục vụ gần 60.000 đơn hàng. Riêng tại TP.HCM, có hơn 650 ngàn thành viên, trung bình mỗi cửa hàng có hơn 1.100 người dùng, nhiều cửa hàng phải lập 2-3 nhóm Zalo.
Mới đây, tại Chương trình “Dân hỏi – Thành phố trả lời”, ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết sẽ có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất. Vấn đề hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ khó khăn nhất là vốn thì thành phố đã có kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước có chính sách giảm nợ, lãi vay để doanh nghiệp phục hồi và phát triển.
Trong bối cảnh TP.HCM nỗ lực tiến tới trạng thái “bình thường mới”, các đơn vị cung ứng hàng hóa thiết yếu đến người dân vừa nhanh chóng vừa an toàn là điều mong mỏi của chính quyền cũng như tất cả người dân.