Sáng 13-10, HĐND TP HCM phối hợp với Đài Truyền hình TP HCM đã tổ chức chương trình Lắng nghe và trao đổi với chủ đề "Tình hình an ninh trật tự trên địa bàn TP HCM: thực trạng và giải pháp".
Phó Giám đốc Công an TP HCM- đại tá Nguyễn Sỹ Quang tại chương trình đã cung cấp bức tranh toàn diện về tình hình tội phạm trên địa bàn TP.
Đại tá Quang cũng thông tin thêm TP HCM đã, đang và sẽ luôn là địa bàn trọng điểm về an ninh trật tự xã hội. Gần đây, TP HCM đối diện với nhiều thách thức nhưng đã giữ vững tình hình an ninh chính trị trong mọi tình huống, đảm bảo sự phát triển của TP.
Đại tá Nguyễn Sỹ Quang cảnh báo nhiều loại tội phạm rất nguy hiểm và cực kỳ tinh vi
Theo đại tá, 9 tháng đầu năm TP HCM xảy ra 2.990 vụ phạm phát hình sự, kéo giảm được 271 vụ, giảm 8% so với cùng kỳ (chỉ tiêu chung của toàn quốc là kéo giảm 3%).
Dù vậy nhưng đại tá Quang nhìn nhận tình hình tội phạm còn nhiều thách thức và khó khăn. Các tội cướp, cướp giật, trộm cắp tài sản dù được kéo giảm nhưng vẫn chiếm tỉ lệ cao (75% trong cơ cấu tội phạm). Hơn nữa, những năm gần đây, đối tượng phạm tội có xu hướng trẻ hóa, tính bạo lực gia tăng.
Đại tá Quang cũng đưa ra lời cảnh báo một loại tội phạm rất tinh vi, gây khó khăn cho ngành công an là tội phạm núp bóng doanh nghiệp, tội phạm tín dụng đen do các đối tượng nghiên cứu rất kỹ về hàng lang pháp lý để đối phó. Hai loại tội phạm này gây ra nhiều hệ lụy, sinh ra nhiều loại tội phạm khác như bắt giữ người trái pháp luật, hủy hoại tài sản, cố ý gây thương tích, thậm chí là giết người.
Chương trình lắng nghe và trao đổi sáng 13-10.
Chỉ tính về các tội phạm về ma túy, đại tá Quang nói đã được xác định đây là tội phạm của các loại tội phạm. Nếu giảm được loại tội phạm này, giảm được người nghiện, người sử dụng ma túy đồng nghĩa sẽ kéo giảm được tội phạm. Vị đại tá này cũng trong giọng điệu lo lắng mà bảo rằng: "Nhưng TP HCM rất không may là trở thành địa điểm trung chuyển và tiêu thụ ma túy ngày càng lớn, ngày càng gia tăng. Khối lượng tiêu thụ nhiều và trung chuyển lên hàng tấn. Một khi sử dụng ma túy đá thì rất dã man, nguy hiểm. Nhiều trường hợp ngáo đá gây ra vụ thảm sát.".
Tội phạm lừa đảo bằng công nghệ cao cũng là một loại tội phạm khác rất nhức nhối và gây ra nhiều hệ lụy. Mới đây nhất, đã có một nạn nhân đã bị lừa mất 11 tỉ đồng. Trong 9 tháng đầu năm, công an đã nhận được 164 tin báo tố giác tội phạm này, trong đó có nhiều cán bộ cũng bị lừa.
Đại tá Quang khuyến cáo các cơ quan nhà nước như: công an, thuế, tòa án, viện kiểm sát... không làm việc qua điện thoại, người dân không nên cung cấp thông tin cá nhân khi có người gọi điện đến và yêu cầu.
Đại tá Quang cho rằng phòng chống tội phạm là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị và xã hội. Bên cạnh lực lượng nòng cốt là công an thì cần có sự chung tay của toàn xã hội.