Nhiều thế hệ bạn đọc Việt Nam từng yêu thơ Du Tử Lê, đặc biệt cả giới trẻ trước và sau 1975. Nhiều người hâm mộ bài hát Khúc Thụy Du được nhạc sĩ Anh Bằng phổ từ bài thơ cùng tên của Du Tử Lê.
Khúc Thụy Du được Du Tử Lê viết tháng 3/1968, như một phần cảm thức của lớp trẻ trước cuộc chiến đang lan rộng tại Việt Nam.
Du Tử Lê (Lê Cự Phách) sinh năm 1942 tại Kim Bảng, Hà Nam. Ông là tác giả của 70 tập thơ, văn xuôi. Ông học Đại học Văn khoa Sài Gòn, tu nghiệp báo chí tại Indianapolis, Indiana (1969). Giải thưởng Văn chương toàn quốc tại Sài Gòn năm 1973 (tập Thơ tình Du Tử Lê 1967-1972).
Chân dung nhà thơ Du Tử Lê
Du Tử Lê tham gia giới viết văn làm báo, là chứng nhân của nhiều trào lưu văn nghệ tại miền Nam trước đây.
Những kinh nghiệm từ quãng đời này giúp ông viết thành một số công trình có tính chất tổng thuật và khảo cứu về văn nghệ miền Nam trước 1975: Phác họa toàn cảnh sinh hoạt 20 năm VHNT miền Nam 1954-1975, Sơ lược 40 năm văn học nghệ thuật Việt 1975-2015.
Du Tử Lê làm thơ từ rất sớm, bút hiệu Du Tử Lê được dùng chính thức từ năm 1958 trên tạp chí Mai.
Theo ghi nhận của những người trong giới cùng thời, Du Tử Lê có thể sánh đôi với Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, Bùi Giáng, Nguyên Sa, Thanh Tâm Tuyền và Tô Thùy Yên, làm nên bảy gương mặt thơ xuất sắc nhất miền Nam trước 1975.
Từ năm 1981 tới nay, nhà thơ Du Tử Lê có nhiều buổi thuyết trình tại một số đại học tại Hoa Kỳ, Pháp, Đức, và Úc. Ông từng hai lần được mời đến đại học Harvard để nói chuyện về thơ của mình.
Thập niên 1980-1990, thơ ông xuất hiện trên Los Angeles Times và New York Times. Thơ ông được dịch trong tuyển tập Understanding Vietnam (liên Đại học Berkeley, UCLA, London ấn hành; là sách giáo khoa về văn học Việt Nam cho nhiều đại học tại châu Âu).
Từ năm 2009 tới 2012, mỗi năm Du Tử Lê đều có ít nhất một lần thuyết trình về thơ tại đại học UC Berkeley và đại học Cal State Fullerton.
Sự nghiệp thơ của Du Tử Lê cũng từng là đề tài nghiên cứu khoa học. Trong thư viện quốc gia vẫn còn lưu giữ một đề tài nghiên cứu khoa học: Thơ Du Tử Lê dưới góc nhìn tư duy nghệ thuật thuộc chuyên ngành Lý luận văn học.
Ông là một trong sáu nhà thơ Việt Nam thế kỷ 20 có thơ dịch trong tuyển tập World Poetry - An Anthology of Verse from Antiquity to Our Time (W.W. Norton New York, 1998). Ông từng thuyết trình về sáng tạo thơ ca tại một số đại học ở Mỹ, Pháp, Đức và Úc.
Nhiều bài thơ của ông đã được phổ nhạc thành các ca khúc nổi tiếng.
Theo thống kê chưa đầy đủ, Du Tử Lê có hơn 70 tác phẩm đã xuất bản. Những năm gần đây, một số sách của ông trở lại với bạn đọc trong nước thông qua các đơn vị xuất bản: - Du Tử Lê tùy bút tuyển chọn (2015) - Với nhau, một ngày nào (tản văn, 2018) - Trên ngọn tình sầu (tập thơ, 2018) - Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời (tùy bút dạng hồi ký, 2017) - Khúc thụy du (tuyển thơ, 2018) - Giữ đời cho nhau (tuyển tùy bút, 2018) - Chúng ta, những con đường (thơ, 2019)... |
Chẳng Chiến Chinh Mà Cũng Lẻ Đôi
Thơ: Du Tử Lê
Chỉ nhớ người thôi đủ hết đời Chim về góc biển . Bóng ra khơi Lòng tôi lũng thấp . Tâm hiu quạnh Chẳng chiến chinh mà cũng lẻ đôi
Chỉ nhớ người thôi đủ hết đời Buổi chiều chăn gối thiếu hơi ai Em đi để lại hồn thơ dại Tôi vó câu buồn sâu sớm mai
Chỉ nhớ người thôi đủ hết đời Em còn gương lược dấu đường ngôi Nằm mơ thấy tóc thơm vai hẹn Và khoảng trời xanh đến rợn người
Chỉ nhớ người thôi đủ hết đời Bàn tay dư mấy ngón chia phôi (Tặng nhau chín ngón không đeo nhẫn) Và những tàn phai đầy tuổi tôi
Chỉ nhớ người thôi đủ hết đời Như trời nhớ đất (rất xa xôi) Nắng mưa nhớ mãi hàng hiên đợi Thư nhớ hồi âm - Lệ nhớ môi
Chỉ nhớ người thôi sông đủ cạn Nói gì kiếp khác với đời sau Đôi khi nghe ấm trên da thịt Như thể ai đi mới trở về |