Bí thư Đảng uỷ xã Vĩnh Lộc B Nguyễn Thanh Việt trao huy hiệu Đảng viên đến ông Trần Xuân Trọng trong dịp lễ ‘Trao huy hiệu Đảng viên 50, 40 tuổi Đảng’.
Mời khách vào nhà, ông ngồi từ tốn kể cho chúng tôi nghe những ngày đầu nhập ngũ, những ngày trải qua bao chiến sự. Và cả câu chuyện về ngôi nhà đang ngồi với lý do có mặt tại vùng đất Vĩnh Lộc – Bình Chánh này khiến chúng tôi không khỏi cảm động. Đó là ông Trần Xuân Trọng, một cựu quân nhân của binh chủng Phòng không - Không quân Sư đoàn 375 thuộc biên chế đơn vị cơ động Bộ Quốc Phòng. Với 42 tuổi Đảng mang cấp bậc Đại uý.
Hăng hái tham gia nhập ngũ
Ông Trọng sinh năm 1945, là con thứ 2 trong gia đình có 8 anh em ở vùng đất Hà Đông. Nơi ấy đặt trụ sở một số cơ quan hành chính của thủ đô Hà Nội. Vùng đất rất giàu truyền thống văn hoá và bây giờ là một trong những khu vực có tốc độ phát triển kinh tế nhanh bậc nhất thủ đô.
Đến tận bây giờ ông Trọng vẫn nhớ như in những ngày đầu tiên nhập ngũ. Ông tâm sự “Tôi nhập ngũ năm 1967, lúc 22 tuổi. Trước đó làm công nhân trong xí nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng X200. Vì nhà ở trong khu dân cư nên được học hành đến cuối cấp trung học. Hôm nọ đang làm việc trong xí nghiệp, chợt các bạn công nhân rủ nhau nhập ngũ, tôi hăng hứa ghi tên. Cả xí nghiệp khoảng 70 người tham gia nhập ngũ, nhưng chỉ có tôi và thằng bạn được chọn vì lính Phòng không – Không quân được lựa chọn kỹ lắm. Số còn lại cũng được nhập ngũ nhưng vào rải rác các binh đoàn khác”.
Được biết, vào ngày 7 tháng 2 năm 1968 tại xã Nam Xuân, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, Sư đoàn Phòng không 375 đã được công bố quyết định thành lập. Ngày 14 tháng 2 năm 1968, Sư đoàn đã ra quân đánh thắng trần đầu, bắn rơi 1 máy bay A-6A của Mỹ. Để ghi nhận ý nghĩa lịch sử đó, ngày 15 tháng 01 năm 1992 Tư lệnh Quân chủng Phòng không – nay là Quân chủng Phòng không, đã ký Quyết định số 48/QĐ-PK lấy ngày 14 tháng 2 năm 1968 là ngày truyền thống của Sư đoàn.
Cuộc đời binh ngũ của ông bắt đầu từ đó, đơn vị ông hoạt động cơ động thuộc Bộ Quốc Phòng nên di chuyển rất nhiều. Có khi hôm nay ở Quảng Bình, ngày mai có mặt Hà Nội. Đơn vị đi đến đâu, vũ khí khí tài đã được đơn vị công binh sắp xếp sẵn đến đó. Năm 1970, Sư đoàn PK-KQ 375 đóng quân suốt 2 năm ở sân bay Sao Vàng Thanh Hoá, nhằm bảo vệ bình yên vùng trời Hà Nội. Sau đó di chuyển vào Nghệ An, đóng quân tại Nông trường Đông Hiếu. Rồi sân bay dã chiến đèo Đá Đẽo – Lệ Thuỷ bảo vệ phà Long Đại và phà Gianh.
Mùa hè đỏ lửa 1972 là năm Sư đoàn PK-KQ 375 tổn thất lớn. Sau trận oanh kích của máy bay F4-F5 tại trận địa Thụ Lộc – Bố Trạch, Sư đoàn ông bị ngưng hoạt động, tê liệt cả một đơn vị. Ông Trọng bùi ngùi kể lại ngày ấy: “Đơn vị tôi chia ra làm nhiều tổ để điều khiển tổ hợp tên lửa phòng không SAM-2, phục kích máy bay F4 – F5. Tôi là tổ trưởng trong nhóm, bọn tôi được lệnh trực ra đa trong ca bin điều khiển. Lúc ấy đơn vị đã hạ được 1 chiếc F4 thì bọn địch phát hiện ổ phục kích nên quay lại rãi bom phát quang sáng một góc trời. Tổ của chúng tôi bị trúng 1 quả vào cạnh cabin điều khiển ra đa. Quả bom nổ quá lớn, phát ra ánh sáng cực mạnh nên mọi người không còn nghe được gì và cũng không thể thấy gì nữa. May mắn bọn tôi thoát chết, chỉ bị mù bị điếc tạm thời và bị thương phần mềm thôi. Khi máy bay địch rút đi các đồng đội bên ngoài chạy lại tìm cách ứng cứu. Kêu mãi không ai lên tiếng nên nghĩ chắc chết hết rồi. Dù đơn vị bị thương 5 người nhưng các khí tài tổ hợp SAM-2 gồm ra-đa, bệ phóng đều hư hỏng nặng, không thể hoạt động được nữa. Một đơn vị hơn 40 người bị tê liệt phải rút về. Tôi may mắn chỉ bị thương ở tay, không ảnh hưởng đến phần xương. Trong đêm được chuyển về Thanh Hoá – Bệnh viện 111 điều trị gần 3 tháng mới xuất viện”.
Ông uống ngụm trà rồi thong thả kể tiếp “Sau đó đơn vị tôi về lại Nam Hà để bảo vệ vùng trời Hà Nội, Hải Phòng. Chiến sự tạm lắng xuống chúng tôi di chuyển từ từ vào Nam. Năm 1973 đóng quân tại Quãng Trị, cũng từ đó bắt đầu di chuyển vào Sài Gòn để chuẩn bị cho giải phóng miềm nam. Ngày 30 tháng 4 năm 1975 chúng tôi có mặt tại Ngã Tư Bảy Hiền, cạnh sân bay Tân Sơn Nhất. Sau 1 tuần thì vội vã quay ra Miền Trung, đóng tại sân bay Đà Nẵng bảo vệ cho cảng Cam Ranh”.
Hoà bình ông vẫn phục vụ quân đội
Hoà bình lập lại, những người lính cũ xếp vũ khí để quay về lập gia đình xây dựng quê hương. Riêng ông Trọng trong một lần về phép đã kịp kết hôn với người con gái cùng làng, người ấy do bố mẹ ông mai mối trước ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, non sông trở thành một mối. Không như mọi người lính khác xuất ngũ ngay, ông Trọng đưa vợ con vô Đà Nẵng sinh sống, vẫn tại ngũ phục vụ quân đội.
Mãi đến năm 1985, đất nước yên bình, hưởng ứng phong trào đi kinh tế mới để phát triển đất nước. Ông xin xuất ngũ, đưa gia đình vào Bảo Lộc - Lâm Đồng tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế gia đình cùng địa phương. Từ giã cuộc đời binh nghiệp từ đó, ông được địa phương mời làm công an phường Lộc Châu.
Hiện tại ông bà sống tại B12B/21 Ấp 2B, xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TP.HCM từ năm 2010. Dù tuổi cao, đã hưu từ lâu nhưng ông vẫn tham gia các hoạt động của địa phương, vẫn sinh hoạt trong Hội Cựu Chiến binh xã. Đầu 2013, ông tham gia tích cực trong Ban vận động ấp thuộc chương trình bê tông hoá các hẻm trong khu dân cư. Sự kết hợp đồng bộ giữa Cựu Chiến binh, Tổ Nhân dân, Ban Nhân dân, Mặt trận ấp trong gần 5 tháng đã khánh thành 3 con hẻm ở tổ 2, tổ 3 và tổ 4. Kinh phí hoàn toàn do sự đóng góp tự nguyện của bà con. Hằng năm từ lúc khánh thành đến nay, ông cùng đoàn thể ấp vận động bà con bảo dưỡng mặt đường và thông móc cống để khơi thông dòng chảy vào mỗi đầu mùa mưa. Với tinh thần chung sức, chung lòng trong công cuộc xây dựng nông thôn mới.
Chia tay với gia đình ông Trần Xuân Trọng, người cựu chiến binh lính PK-KQ Sư đoàn 375 xưa. Chúng tôi bước ra ngoài, đường phố đã lên đèn tự lúc nào trong không khí tươi mát, sạch sẽ sau cơn mưa. Nhìn ngôi nhà ông bà đang sống ngăn nấp, tươm tất dù không cao sang, lộng lẫy, uy nga nhưng chứa đựng sự hài lòng, an nhàn trong niềm hạnh phúc ánh lên trong đôi mắt, nụ cười của ông. Các cấp lãnh đạo địa phương đã tạo điều kiện để ông xây ngôi nhà đàng hoàng, là chổ cho ông bà trú thân tuổi về già. Thể hiện tình cảm, sự chăm lo, trách nhiệm của cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương đối với những người có công với đất nước.