Trên xe có tiền, các Đăng kiểm viên sẽ kiểm định qua loa, bỏ qua các lỗi không đạt và kiểm định “đạt” ngay lần đầu tiên. Trường hợp trên xe không có tiền, các Đăng kiểm viên sẽ kiểm tra kỹ và ghi nhận tất cả các lỗi, in phiếu kiểm định “không đạt”.
Ngày 12/8, TAND TP.HCM tiếp tục với phần bào chữa của các luật sư đối với các bị cáo tại Trung tâm đăng kiểm 50-05V, liên quan đại án đăng kiểm xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam (Cục ĐKVN), 11 trung tâm đăng kiểm trên địa bàn TP.HCM và 3 trung tâm đăng kiểm tại Long An, Bến Tre, Sóc Trăng.
Phiên toà đại án đăng kiểm ngày 12/8/2024.
Theo cáo trạng, Trung tâm đăng kiểm 50-05V do Nguyễn Đình Quân và Trần Anh Tú lần lượt làm giám đốc. Trung tâm này có Cơ sở An Phú Đông và Chi nhánh Hồng Hà. Kết quả điều tra xác định, giai đoạn Quân và Tú làm Giám đốc, Trung tâm đã nhận hối lộ gần 38 tỷ đồng.
Trong đó số tiền nhận hối lộ, Nguyễn Đình Quân và Trần Anh Tú khai đã đưa cho Trần Kỳ Hình (cựu Cục trưởng Cục ĐKVN) gần 1,5 tỷ đồng, đưa cho Đặng Việt Hà (cựu Cục trưởng Cục ĐKVN) 365 triệu đồng.
Đối với sai phạm tại Chi nhánh Hồng Hà, từ đầu năm 2015 Nguyễn Đình Quân cùng các Phó Giám đốc đã thống nhất hàng tháng phải lập quỹ để chi tiền cho lãnh đạo Cục Đăng kiểm và phòng VAR.
Từ đó Ban giám đốc chỉ đạo các Trưởng chuyền (Tô Anh Vũ, Nguyễn Thanh Toàn) và các Đăng kiểm viên (Hứa Đức Phương, Nguyễn Phan Vũ Đức, Lê Vũ Trọng Đạt, Nguyễn Xuân Tân, Ngô Đăng Hoàng, Nguyễn Quốc Anh, Nguyễn Hoàng Khải) cùng thống nhất nhận tiền hối lộ của người đi kiểm định xe.
Cụ thể, khi người đi kiểm định đưa xe vào chuyền, Đăng kiểm viên ở công đoạn 1 sẽ kiểm tra trên xe có tiền của khách hay không (thường từ 100.000 - 200.000 đồng). Nếu không có tiền thì bật đèn ra hiệu để cho các Đăng kiểm viên trong chuyền biết.
Nếu trên xe có tiền, các Đăng kiểm viên sẽ kiểm định qua loa, bỏ qua các lỗi không đạt của phương tiện và kiểm định “đạt” ngay lần đầu tiên. Trường hợp trên xe không có tiền, các Đăng kiểm viên sẽ kiểm tra kỹ và ghi nhận tất cả các lỗi, rồi in phiếu kiểm định lần 1 “không đạt” và yêu cầu chủ xe phải khắc phục các lỗi này mới cho kiểm định lại lần 2.
Các chủ phương tiện có xe kiểm định không đạt lần 1 sẽ không mang xe ra ngoài sửa chữa mà liên hệ trực tiếp với Đăng kiểm viên trong chuyền đưa hối lộ từ 150.000 - 500.000 đồng để được bỏ qua các lỗi ở lần kiểm định thứ 2. Đăng kiểm viên của công đoạn “không đạt” sẽ trực tiếp lấy hoặc phân công Đăng kiểm viên khác lấy tiền để trên xe, rồi bỏ qua lỗi và cấp giấy chứng nhận đăng kiểm.
Từ năm 2015 đến cuối năm 2022, Chi nhánh Hồng Hà đã nhận hối lộ tổng cộng gần 28 tỷ đồng…
Luật sư Đặng Huỳnh Lộc bào chữa cho bị cáo Nguyễn Hoàng khải trình bày quan điểm tại toà.
Tại phiên toà, luật sư Đặng Huỳnh Lộc (Đoàn Luật sư TP.HCM) bào chữa bị cáo Nguyễn Hoàng Khải trình bày, bị cáo Khải vào làm việc từ tháng 12/2019 – 11/2022. Khi đó vụ án nhận hối lộ đã diễn ra từ trước, nên không thể đi ngược lại “guồng máy” của đơn vị.
Theo luật sư Đặng Huỳnh Lộc, bị cáo Nguyễn Hoàng Khải khai không nhận tiền trực tiếp từ người mang phương tiện tới đăng kiểm. Vai trò của bị cáo Khải là thứ yếu trong công việc lẫn trong việc nhận hối lộ. Bị cáo Khải là người làm công ăn lương, phụ thuộc mọi hoạt động khi thực hiện đăng kiểm.
Về tình tiết tăng nặng, luật sư cho rằng bị cáo Khải bị cáo buộc phạm tội là bị tính gộp nhiều ngày. Số tiền mỗi ngày nhận hối lộ không đủ cấu thành hành vi phạm tội. Do cách tính gộp như vậy nên bị cáo Khải mới phạm tội và phạm tội nhiều lần như VKS truy tố.
Bị cáo Khải phải chịu trách nhiệm số tiền nhận hối lộ trong toàn bộ chuyền 2 là gần 5 tỷ đồng, hưởng lợi 435 triệu đồng. Tuy nhiên, cũng giống như các luật sư khác, luật sư bào chữa cho bị cáo Khải đề nghị HĐXX xem xét lại số tiền bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự. Vì định mức số tiền nhận hối lộ là tình tiết định khung, định tội, tăng nặng người phạm tội.
Cựu Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam Trần Kỳ Hình bị truy tố về tội "Nhận hối lộ" hơn 7,1 tỷ đồng và tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" trong việc duyệt cấp thông báo năng lực cho 63 hồ sơ cơ sở đóng tàu không đủ điều kiện theo quy định.
Cựu Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam Đặng Việt Hà phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi "Nhận hối lộ" với tổng số tiền hơn 40,2 tỷ đồng. Trong đó, cá nhân ông Hà hưởng lợi hơn 8,5 tỷ đồng.
Cựu Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam Nguyễn Vũ Hải, phụ trách hoạt động của Phòng Tàu sông bị truy tố về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" trong việc cấp thông báo năng lực cho 15 hồ sơ cơ sở đóng tàu không đủ điều kiện theo quy định