Trường Đại học Luật TPHCM trong suốt thời gian qua đã phát triển một cách toàn diện, vững chắc, xứng đáng là một trong các cơ sở đào tạo về pháp luật lớn nhất của cả nước, đáp ứng yêu cầu đào tạo cán bộ pháp luật cho đất nước trong tiến trình hội nhập quốc tế và phát triển bền vững.
PGS.TS. Trần Hoàng Hải, Quyền Hiệu trưởng báo cáo tổng kết tại Hội nghị viên chức và người lao động của Nhà trường
Năm 2021, là một năm rất đặc biệt đối ngành giáo dục cả nước nói chung và Trường Đại học Luật TPHCM nói riêng khi chịu tác động của dịch bệnh Covid-19. Phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo và nỗ lực khắc phục khó khăn, toàn thể viên chức, người lao động, học viên và sinh viên Trường Đại học Luật TPHCM đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ đề ra, đảm bảo vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa hoàn thành thắng lợi các mục tiêu chính trị, xây dựng nhà trường ngày càng phát triển vững mạnh.
Theo PGS TS Trần Hoàng Hải, quyền Hiệu trưởng Nhà trường cho biết, Trường ĐH Luật TPHCM đã phát huy tính dân chủ trong quản trị, chú trọng các nhiệm vụ chính trị là đào tạo và nghiên cứu khoa học, hoàn thiện đội ngũ lãnh đạo chủ chốt để tập hợp và phát huy sức mạnh tập thể cũng như truyền thống đoàn kết, gắn bó của nhà trường. Hội đồng trường được kiện toàn và hoạt động hiệu quả thực hiện quyền quản trị đối với nhà trường. Đó là yếu tố quyết định cho sự ổn định trong công tác đào tạo, đầu tư phát triển và khẳng định vững chắc vị thế là cơ sở đào tạo pháp luật lớn nhất khu vực phía Nam.
Bên cạnh, việc phát huy tính dân chủ trong các hoạt động, thì tập thể lãnh đạo nhà trường đã có những quyết sách đúng đắn, phù hợp trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, duy trì các hoạt động của nhà trường ở một chừng mực nhất định. Đảm bảo duy trì thu nhập của viên chức, người lao động như hàng năm và thực hiện đa dạng các hoạt động chăm lo cho các đối tượng khó khăn (kể cả viên chức, người lao động và người học).
Chuyển đổi phương thức dạy và học phù hợp với điều kiện dịch bệnh Covid 19
Năm học 2020 - 2021, tiếp tục là một năm đầy khó khăn và thách thức đối khi tình hình dịch bệnh Covid-19 đã và đang diễn ra hết sức phức tạp, kéo dài gần như cả năm học. Trước tình hình đó, tập thể lãnh đạo trường đã chỉ đạo phải tích cực thực hiện việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập và quản lý giáo dục, quản trị nhà trường, đặc biệt là công tác dạy và học.
Từ tháng 9/2020 đến nay, Trường Đại học Luật TPHCM đã chủ động và kịp thời ban hành các thông báo ở mỗi thời điểm khác nhau để triển khai linh hoạt hoạt động đào tạo trực tuyến thay cho hình thức học tập trung. Theo đó, trường đã tổ chức cho sinh viên thuộc các hình thức đào tạo ở trình độ đại học học bằng “Hệ thống cơ sở dữ liệu E-learning” (E-learning), có giảng viên hướng dẫn và có hệ thống ôn tập kiến thức. Do đó, trong năm học 2020-2021 hoạt động giảng dạy, học tập E-learning đã và đang được giảng viên và sinh viên thực hiện tốt, hiệu quả.
Nhà trường đã có đầy đủ kho dữ liệu bài giảng E-learning cho tất cả các học phần giảng dạy trong năm học, mỗi cơ sở dữ liệu có đầy đủ 6 phần: giới thiệu tổng quan môn học, tài liệu tham khảo, nội dung môn học, câu hỏi ôn tập và bài tập, lịch kiểm tra và hình thức đánh giá điểm bộ phận và thảo luận nhóm/lớp. Nội dung cơ sở dữ liệu được từng khoa, từng bộ môn và từng giảng viên phụ trách lớp học phần cập nhật đầy đủ, kịp thời lên hệ thống dữ liệu chung của toàn Trường tại địa chỉ: http://elearning.ulhcmc.edu.vn theo đúng quy định.
Đổi mới phương thức và nâng cao chất lượng tổ chức hội thảo, hoạt động nghiên cứu khoa học
Dù trong hoàn cảnh khó khăn vì dịch bệnh, nhà trường vẫn cố gắng duy trì và tổ chức các hội thảo các cấp. Tính đến tháng 11/2021, trường đã tổ chức được 03 hội thảo quốc tế, 05 tọa đàm khoa học quốc tế theo hình thức trực tuyến với các khách mời nước ngoài, 11 hội thảo cấp trường và 16 hội thảo cấp khoa. Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức các hội thảo trong bối cảnh giãn cách do dịch Covid-19, Phòng Quản lý Nghiên cứu khoa học và Hợp tác quốc tế đã ban hành hướng dẫn các đơn vị trong việc tổ chức các hội thảo trực tuyến cho phù hợp với tình hình mới. Cho đến nay, các hội thảo trực tuyến được tổ chức đều đảm bảo chất lượng, thu hút được đông đảo các chuyên gia, giảng viên, sinh viên tham gia.
Nhà trường tiếp tục duy trì các nhóm hỗ trợ sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học tại các khoa. Mặc dù trong năm học 2020- 2021, nhà trường và sinh viên gặp rất nhiều khó khăn do tình hình dịch bệnh kéo dài nhưng để đảm bảo các hoạt động giao lưu học thuật quốc tế cho sinh viên được diễn ra liên tục, nhà trường vẫn tiếp tục cử sinh viên tham gia 03 cuộc thi MOOT quốc tế, trong đó: ICA Deakin Moot - Trường được mời tham gia cuộc thi trong khuôn khổ hợp tác của 02 trường, ASIA Cup theo thông lệ hàng năm và đặc biệt là FDI Moot Court vòng quốc gia, đội tuyển của trường đã xuất sắc dành giải quán quân và một suất đại diện quốc gia tham dự thi FDI Moot Court vòng quốc tế. Bên cạnh các cuộc thi Phiên tòa giả định quốc tế thì V-MOOT cũng là một cuộc thi được sinh viên Luật toàn quốc mong đợi. Đây là năm thứ 5, Trường ĐH Luật TPHCM tổ chức cuộc thi V-MOOT thu hút đông đảo sinh viên các trường đại học có đào tạo chuyên ngành luật trên cả nước tham gia với nhiều gương mặt đại diện xuất sắc.
Thầy và trò đồng lòng vượt qua đại dịch
Ngay khi dịch Covid – 19 bùng phát, Trường Đại học Luật TPHCM đã thành lập các tổ phản ứng nhanh với số lượng viên chức, giảng viên, người lao động tham gia trực tiếp, tham gia lực lượng hỗ trợ là 86 người để thực hiện công tác phòng chống dịch, đảm bảo an toàn về sức khỏe và tinh thần cho cán bộ giảng viên và sinh viên, thực hiện các chính sách hỗ trợ viên chức và sinh viên bị ảnh hưởng của dịch covid 19.
Nhà trường hỗ trợ mỗi người học 200.000 đồng chi phí kết nối internet để học trực tuyến, hỗ trợ cho 391 sinh viên có hoàn cảnh khó khăn đang bị kẹt lại tại TPHCM với tổng số tiền gần 600 triệu đồng, thầy cô của các khoa đã vận động và hơn quà và tiền mặt cho 550 em sinh viên. Trao tặng học bổng cho gần 200 sinh viên khó khăn do dịch covid với gần 600 triệu đồng.
Đối với 30 cán bộ giảng viên nhà trường bị nhiễm bệnh Covid-19 đã được nhà trường hỗ trợ với tổng số tiền là 165.000.000 đồng, và 21 cháu là con của đoàn viên công đoàn và người lao động của Trường bị nhiễm bệnh Covid-19 trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4 cũng được hỗ trợ với tổng số tiền là 42.000.000 đồng.
Bên cạnh, đó cán bộ, giảng viên của Nhà trường còn tham gia nhắn tin “Toàn dân ủng hộ phòng, chống dịch bệnh Covid-19” được 111.326.000 đồng. Ủng hộ chương trình “Máy tính cho em” với tổng số tiền là 168.976.827 đồng nhằm ủng hộ kinh phí, thiết bị học tập trực tuyến cho học sinh chưa có và không thể có khả năng mua thiết bị học tập trực tuyến do Bộ Giáo dục & Đào tạo cùng Công đoàn Giáo dục Việt Nam phát động.