Sáng 24/10, các đại biểu tập trung làm rõ chính sách đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ trong Quốc hội thảo luận tại hội trường hoàn thiện Dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Cán bộ, công chức.
Cụ thể, dự thảo luật cho rằng, người có tài năng trong hoạt động công vụ là cán bộ, công chức có năng lực chuyên môn vượt trội, có đóng góp lớn, hiệu quả cho cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc lĩnh vực công tác mà ít người đạt được. Trong hoạt động công vụ nhà nước sẽ có chính sách trọng dụng và đãi ngộ xứng đáng đối với người có tài năng.
Đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) cho ý kiến hoàn thiện chính sách trên, nhận thấy trong luật chưa được định nghĩa cụ thể về chính sách trọng dụng nhân tài. Bà Vân cũng cho rằng, người tài cần phải phân loại ở từng lĩnh vực cụ thể. Theo đó, trong chính trị là người khởi xướng ra chính sách; trong văn hóa nghệ thuật phải sáng tác ra những tác phẩm nghệ thuật để lại cho muôn đời sau…
Tranh luận với đại biểu Vân, đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (đoàn TP Hà Nội) cho biết, nhiều tỉnh thành đã có chính sách trải thảm đỏ mời thạc sĩ, tiến sĩ về làm việc. Nhiều tỉnh thành cử nhân tài đi nước ngoài đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ. Điều đại biểu băn khoăn là có bao nhiêu phần trăm thạc sĩ, tiến sĩ trong đó đóng góp được cho tỉnh thành?
Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện tim Hà Nội nêu quan điểm: “Chúng ta biết có rất nhiều thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài về đang thất nghiệp; có rất nhiều lái xe ôm, Grab là thạc sĩ. Xin hỏi những người đó, đào tạo tốt như vậy có là nhân tài hay không? Xin thưa là không!”.
Theo Giám đốc Bệnh viện tim Hà Nội nói nhân tài muốn phát triển thì cần có môi trường đào tạo tốt. Nhưng điều ông Tuấn băn khoăn là với người có tài, nhưng tâm không tốt thì sao? Bởi thực tế, đại biểu đoàn Hà Nội nhận thấy, nhiều người có đủ yếu tố như vừa giỏi, vừa có môi trường cống hiến, vừa có nhiệt huyết, nhưng lại không muốn đóng góp cho đất nước, mà chỉ lo vun vén cá nhân, cho lợi ích nhóm.
Giám đốc Bệnh viện tim Hà Nội cũng nói thêm: “Xin hỏi những người như vậy chúng ta có cần hay không? Xin thưa là không! Bởi người có tài mà không có tâm là người phá hoại, có tâm mà không có tài là người vô dụng. Do vậy, nhân tài phải tổng hòa giữa người có tài, có tâm và vừa chí công vô tư, đầy đủ nhiệt huyết đóng góp cho đất nước”.
Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (đoàn Bình Dương) tranh luận với đại biểu Tuấn và ông cho rằng, không phải cứ là thạc sĩ mới là người có tài. Người này cũng tiếp lời: “Còn với thạc sĩ Grab, số liệu thì tôi không có trong tay. Nhưng thạc sĩ Grab, chắc là thạc sĩ Đông Đô, chứ không phải là thạc sĩ đúng nghĩa, động chạm đến nhiều người ở đây”.
Dự thảo cũng chưa rõ ràng đối với người có tài, đại biểu Nguyễn Bắc Việt (đoàn Ninh Thuận) đưa ra nhận xét. “Có những người có lợi cho tổ chức, cơ quan, nhưng lại không có lợi cho nhân dân”, ông Việt nói và cho rằng, người tài phải là người đóng góp to lớn cho đất nước và cho nhân dân.
Đại biểu Nguyễn Bắc Việt cũng đề nghị cần phải sửa lại nội dung dự luật theo hướng người tài là người có năng lực thực hiện nhiệm vụ chuyên môn vượt trội; được xã hội, tổ chức, cơ quan nhìn nhận; có góp lớn hiệu quả cho đất nước, cho nhân dân.
“Có như vậy thì mới xử lý được câu chuyện về đức và tài. Chứ ông chỉ có tài trong tổ chức, cho cơ quan, nhưng lại làm hại cho dân, cho nước thì không thể gọi là nhân tài”, ông Việt nói thêm.
Link gốc đây