Sáng ngày 08/10/2019, tại Trung tâm Hội nghị Deutsches Haus số 33 Lê Duẩn, Quận 1, TPHCM đã diễn ra buổi họp báo về “VIETWATER 2019 Hồ Chí Minh – Khám phá những công nghệ và thiết bị hàng đầu lĩnh vực cấp thoát nước và xử lý chất thải”.
Câu chuyện về biến đổi môi trường và khí hậu chưa bao giờ có nhiều chuyển biến phức tạp như hiện nay. Trong đó ô nhiễm nguồn nước là một trong những yếu tố ảnh hưởng nghiêm trọng nhất đến đời sống của con người. Chính vì thế, việc bảo vệ và bảo tồn nguồn nước sẽ là chủ đề mang tính cấp bách nhất, đòi hỏi ngành cấp thoát nước phải có sự cải tiến vượt bậc về khoa học công nghệ và hệ thống xử lý.
Quang cảnh buổi họp báo
Với chặng đường hơn mười năm đồng hành cùng ngành nước, VIETWATER – Triển lãm quốc tế ngành cấp thoát nước, công nghệ lọc nước và xử lý chất thải tại Việt Nam luôn là cầu nối tiềm năng giúp kết nối thị trường, quảng bá và truyền thông rộng rãi các công nghệ hiện đại phù hợp cho các ngành công nghệ. Sự kiện sẽ diễn ra từ ngày 6 – 8 tháng 11 năm 2019 tại Trung tâm Hội chợ & Triển lãm Sài Gòn (SECC).
Mở đầu cho buổi họp báo, ông Mr.BT Tee – Tổng Giám đốc Công ty Informa Markets Việt Nam đã phát biểu cập nhật thông tin và các hoạt động tại Triển lãm sắp tới. Ông BT Tee đặt vấn đề: “Năng lượng và nước là hai tài nguyên cơ bản nhất để cấu thành nên sự phát triển của văn minh nhân loại. Nhưng tài nguyên là hữu hạn, vậy điều gì sẽ xảy ra nếu các tài nguyên này cạn kiệt?”.
PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng – Viện trưởng Viện Môi trường Đô thị và Công nghệ Việt Nam.
Bên cạnh đó, các diễn giả như PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến – Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội cấp thoát nước Việt Nam và PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng – Viện trưởng Viện Môi trường Đô thị và Công nghệ Việt Nam cũng cho biết về hiện trạng phân loại, thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt đô thị. Hiện nay tại Việt Nam có khoảng 830 đô thị, tổng lượng chất thải rắn phát sinh hàng năm khoảng 14 triệu tấn.
Rác thải đô thị khoảng 38.000 tấn/ngày, 15% thành phần rác thải là chất thải nhựa. Tốc độ gia tăng rác thải hàng năm khoảng 10 – 12%. Hiện trạng ô nhiễm môi trường tại một số đô thị do chưa làm tốt công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt. Đặc biệt các thành phố lớn đang đứng trước nhiều thách thức.
Các diễn giả thảo luận và trả lời các câu hỏi của báo chí
Tại nhiều đô thị hoạt động thu gom, vận chuyển rác thải vẫn theo phương thức truyền thống thủ công, bán cơ giới. Tỷ lệ thu gom rác thải sinh hoạt bình quân cả nước đạt 75 - 80%. Công tác duy trì vệ sinh môi trường đô thị, đặc biệt về thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải đang còn tồn tại khó khăn, bất cập về công nghệ, trang thiết bị, về cơ chế chính sách.
Trong những năm gần đây, ngành nước Việt Nam đã và đang nỗ lực hoàn thiện với 70% hệ thống cấp nước 24/24h, chất lượng dịch vụ và chất lượng nước đã được cải thiện với tổng công suất thiết kế đạt 9,3 triệu m3/ngày đêm. Góp phần nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và các thành phần kinh tế tham gia đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực cung cấp nước ổn định.
VIETWATER 2019 Hồ Chí Minh năm nay còn được đồng tổ chức cũng triển lãm về Công nghệ xử lý chất thải và môi trường – Waste & Environment Technology Vietnam 2019 (WETV). Với mục tiêu hướng tới hành trình xanh hoá đô thị và công nghiệp tại VN. Triển lãm sẽ giới thiệu đến khách tham quan những công nghệ và thiết bị ứng dụng trong ngành xử lý chất thải và nước thải như công nghệ khí hoá, các phương pháp xử lý sinh học – cơ học – nhiệt học, công nghệ tái chế và phục hồi hiệu quả.
Hội thảo quốc tế ngành nước là một trong những sự kiện điểm nhấn không thể thiếu tại VIETWATER, sẽ quay trở lại tại TP.HCM với chủ đề mang tính thời sự: “Ngập úng đô thị - Thực trạng và giải pháp”. Hội thảo được sự chủ trì bởi Hiệp hội Cấp Thoát nước Việt Nam – Cùng sự hỗ trợ của Bộ Xây dựng Việt Nam, diễn ra vào lúc 8g30 ngày 7/11/2019.
Tiếp nối chuỗi hội thảo Viện Môi trường đô thị & Công nghiệp VN và Hiệp Hội Môi trường Đô thị & Khu Công nghiệp VN cũng sẽ mang đến chương trình hội thảo với chủ đề: “Quản lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị và công nghiệp – Thực trạng và giải pháp”. Diễn ra vào lúc 13g30 ngày 6/11/2019 tại Phòng hội thảo – Lầu 2, SECC.