Sau nhiều giờ làm việc, đại diện VKS cho rằng quá trình thẩm vấn phát sinh nhiều tính tiết mới, cần thời gian để đánh giá lại một cách chính xác nên đề nghị dừng phiên tòa để nghiên cứu đánh giá chứng cứ.
Sáng 12/11, TAND cấp cao tại TP.HCM tiếp tục phần đề nghị mức án của đại diện VKS đối với bị cáo Trương Mỹ Lan (68 tuổi, cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và các đồng phạm trong đại án Vạn Thịnh Phát.
Đại diện VKSND cấp cao tại TP.HCM.
Theo dự kiến, sáng nay VKS sẽ phát biểu quan điểm về việc công bố đề nghị mức án đối với kháng cáo của Trương Mỹ Lan và 47 đồng phạm. Tuy nhiên, đại diện cơ quan công tố cho rằng còn một số vấn đề cần làm rõ để giải quyết vụ án một cách khách quan, toàn diện nên đề nghị HĐXX quay lại phần xét hỏi.
Tại toà, đại diện VKS hỏi bị cáo Lan về phương án thực hiện khắc phục hậu quả vụ án. Bị cáo Lan nói theo bản án sơ thẩm, mình bị buộc bồi thường 677.000 tỷ đồng, sau khi cấn trừ một số khoản vay đã được tất toán thì còn phải khắc phục hơn 673.000 tỷ đồng. Bị cáo Lan đề nghị toà xem xét lại con số này.
Về biện pháp khắc phục thiệt hại, bị cáo Lan liệt kê nhiều khoản tiền, tài sản gồm 21.000 tỷ đồng của các tổ chức, cá nhân trả lại; hơn 500 tỷ đồng nộp trước phiên phúc thẩm; 5.000 tỷ đồng lúc nộp tăng vốn điều lệ nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận…
Bị cáo Lan nói “Tài sản của bị cáo còn rất nhiều, chưa cập nhật được. Trước mắt, bị cáo đồng ý cho xử lý 1.121 mã tài sản. Số tài sản này đã được Công ty Hoàng Quân định giá thì đã đủ khắc phục hậu quả vụ án rồi”.
HĐXX hỏi dự án 6A ở khu Trung Sơn (Bình Chánh) bị cáo Lan có thế chấp hợp đồng tín dụng nào không. Bị cáo Lan nói “không ạ”. HĐXX hỏi tiếp “Vậy bị cáo có đồng ý đưa dự án đó vào để khắc phục hậu quả trong toàn bộ vụ án này hay không?”. Bị cáo Lan cũng nói đồng ý.
Liên quan đến dự án 6A, bị cáo Lan cho rằng không được thế chấp cho bất cứ khoản vay nào nhưng SCB đang giữ. Đại diện SCB xác nhận với HĐXX tài sản này không còn đảm bảo cho các nghĩa vụ nào nhưng nằm trong 5 tài sản bà Lan đưa vào để tái cơ cấu SCB từ những ngày đầu nên giữ lại để đảm bảo cho việc khắc phục hậu quả vụ án đối với các nghĩa vụ khác.
Bị cáo Trương Mỹ Lan.
Đối với các tài sản bị kê biên ở giai đoạn 2 của vụ án, theo bị cáo Lan ước tính có giá khoảng 55.000 tỷ đồng, dư để khắc phục hậu quả cho người mua trái phiếu. Phần còn lại sẽ nhập vào khắc phục hậu quả cho giai đoạn 1.
Bị cáo Lan nói sau phiên sơ thẩm giai đoạn 2, đã có nhà đầu tư nộp cho bị cáo hơn 2.000 tỷ đồng để khắc phục hậu quả vụ án từ việc mua tòa nhà 29 Liễu Giai, Hà Nội. Các bên vẫn đang tiếp tục hoàn thiện hồ sơ chuyển nhượng để bán toà nhà này lấy tiền khắc phục hậu quả.
Theo bị cáo Lan, ngoài phương án khắc phục hậu quả nói trên, tại phiên phúc thẩm, bị cáo trình bày thêm nhiều tình tiết giảm nhẹ khác như: có 2.000 đơn của người dân xin giảm nhẹ cho bị cáo và đơn của Hội người Hoa tại TP.HCM; bị cáo và gia đình có nhiều hoạt động từ thiện với xã hội từ hàng chục năm trước…
Cuối buổi làm viện, bị cáo Lan đề nghị HĐXX cho mình được tiếp cận hồ sơ của 1.283 khoản vay tại SCB để biết chính xác số nợ đến nay là bao nhiêu.
Sau nhiều giờ làm việc, đại diện VKS cho rằng quá trình thẩm vấn phát sinh nhiều tính tiết mới, cần có thời gian để đánh giá lại một cách chính xác, từ đó mới có cơ sở đề nghị chấp nhận hay không kháng cáo của các bị cáo và các bên liên quan. Do đó, VKS đề nghị dừng phiên tòa để tiếp tục nghiên cứu đánh giá chứng cứ.
HĐXX đồng ý với yêu cầu của VKS. Phiên tòa sẽ tiếp tục vào ngày 15/11.
Theo bản án sơ thẩm, trong 10 năm thâu tóm SCB, bị cáo Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo đồng phạm giải ngân cho nhóm công ty trong hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát tổng cộng hơn 2.500 khoản vay. Đến tháng 10/2022, nhóm bị cáo Lan và Vạn Thịnh Phát còn gần 1.300 khoản vay, dư nợ 677.000 tỷ đồng gốc và lãi. Tòa xác định đây là số tiền thiệt hại của vụ án và Trương Mỹ Lan có nghĩa vụ phải bồi thường cho SCB.
Hồi tháng 4, TAND TP.HCM xử sơ thẩm tuyên phạt Trương Mỹ Lan 20 năm tù về tội “Đưa hối lộ”; 20 năm tù về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” và tử hình về tội “Tham ô tài sản”. Tổng hợp hình phạt Trương Mỹ Lan phải chấp hành là tử hình.
Trong vụ án này, bà Đỗ Thị Nhàn bị TAND TP HCM tuyên án tù chung thân về tội “Nhận hối lộ”. 3 cựu lãnh đạo của SCB gồm Đinh Văn Thành, Bùi Anh Dũng, cựu Chủ tịch SCB và Võ Tấn Hoàng Văn cũng bị phạt tù chung thân.
81 bị cáo khác bị tuyên phạt từ 3 năm tù treo đến 20 năm tù về loạt tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”; “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng”; “Tham ô tài sản”; “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”; “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”; “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.