Ngày 15/11, đại diện VKSND cấp cao tại TP.HCM phát biểu quan điểm luận tội và đề nghị mức án đối với các bị cáo. Theo đó, VKS đánh giá hành vi của bị cáo Đỗ Thị Nhàn đã phạm vào tội “Nhận hối lộ” với số tiền đặc biệt lớn nên đề nghị mức án chung thân.
Theo VKS, bị cáo Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II (Cục II), Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước) là trưởng đoàn thanh tra, người chỉ đạo đoàn thanh tra, chịu trách nhiệm chính về kết quả thanh tra theo chỉ đạo của bị cáo Nguyễn Văn Hưng (cựu Phó Chánh thanh tra phụ trách Cơ quan Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước).
Bị cáo Đỗ Thị Nhàn.
Bị cáo Trương Mỹ Lan trực tiếp gặp gỡ bàn bạc, trao đổi với Đỗ Thị Nhàn và chỉ đạo Võ Tấn Hoàng Văn (cựu Tổng Giám đốc SCB) trực tiếp đưa tiền cho Đỗ Thị Nhàn 5,2 triệu USD và đưa tiền, quà bồi dưỡng các thành viên trong đoàn thanh tra.
Để che giấu thực trạng tài chính đặc biệt yếu kém và các sai phạm của Ngân hàng SCB phát hiện qua thanh tra, bị cáo Nhàn đã chỉ đạo cấp dưới ban hành dự thảo kết luận thanh tra không khách quan, không trung thực làm giảm đi các sai phạm đặc biệt của SCB, để ngân hàng này tiếp tục được tái cơ cấu.
Kể từ ngày ban hành Kết luật thanh tra ngày 4/12/2018 – 17/10/2022, SCB tiếp tục cho 173.627 khách hàng vay với 570.669 khoản, tổng số tiền là 771.000 tỷ đồng… Do đó, Đỗ Thị Nhàn phải chịu tội trước pháp luật do hành vi của mình đã gây ra.
Xét tính chất hành vi phạm tội của Đỗ Thị Nhàn, bị cáo gây ra đặc biệt nghiêm trọng, tham nhũng với số tiền đặc biệt lớn. Bị cáo này phạm tội nhiều lần, hành vi phạm tội không chỉ xâm phạm đến uy tín, hoạt động của cơ quan nhà nước mà còn gây tác hại đến xã hội về nhiều mặt, ảnh hưởng đến việc thực hiện đường lối chủ trương của Đảng và nhà nước.
Hành vi của bị cáo Đỗ Thị Nhàn đã tạo điều kiện cho bị cáo Trương Mỹ Lan và đồng phạm chiếm đoạt tài sản của ngân hàng SCB số tiền đặc biệt lớn, đến nay chưa khắc phục được hậu quả.
Các bị cáo tại toà.
Hành vi này của bị cáo đã gây dư luận xấu cho xã hội, làm mất an ninh trật tự. Do đó, phải xử phạt bị cáo Nhàn với mức án thật nghiêm khắc, để răn đe giáo dục bị cáo và phòng ngừa chung cho toàn xã hội.
Toà án cấp sơ thẩm quy kết bị cáo Đỗ Thị Nhàn phạm tội “Nhận hối lộ”, áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự xử phạt bị cáo Đỗ Thị Nhàn mức án tù chung thân là tương xứng với tính chất, mức độ hậu quả hành vi phạm tội do bị cáo gây ra.
Theo VKS, hành vi phạm tội của bị cáo lẽ ra phải áp dụng mức hình phạt cao nhất là tử hình, do trước khi xét xử sơ thẩm bị cáo chủ động nộp lại hơn ¾ tài sản nhận hối lộ. Vì vậy toà án cấp sơ thẩm áp dụng chính sách pháp luật xử phạt bị cáo án tù chung thân là đã có khoan hồng.
Tại cấp xét xử phúc thẩm, bị cáo Đỗ Thị Nhàn có nộp thêm 1 tỷ đồng, đủ số tiền mà bản án sơ thẩm đã quy kết bị cáo phải nộp. Song, VKS xét thấy chưa đủ cơ sở để xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.
Do đó, kháng cáo xin giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị cáo Đỗ Thị Nhàn không có đủ cơ sở để chấp nhận, nên đề nghị mức án chung thân, cần cách ly vĩnh viễn ra khỏi xã hội.
Theo bản án sơ thẩm, trong 10 năm thâu tóm SCB, bị cáo Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo đồng phạm giải ngân cho nhóm công ty trong hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát tổng cộng hơn 2.500 khoản vay. Đến tháng 10/2022, nhóm bị cáo Lan và Vạn Thịnh Phát còn gần 1.300 khoản vay, dư nợ 677.000 tỷ đồng gốc và lãi. Tòa xác định đây là số tiền thiệt hại của vụ án và Trương Mỹ Lan có nghĩa vụ phải bồi thường cho SCB.
Hồi tháng 4, TAND TP.HCM xử sơ thẩm tuyên phạt Trương Mỹ Lan 20 năm tù về tội “Đưa hối lộ”; 20 năm tù về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” và tử hình về tội “Tham ô tài sản”. Tổng hợp hình phạt Trương Mỹ Lan phải chấp hành là tử hình.
Trong vụ án này, bà Đỗ Thị Nhàn bị TAND TP HCM tuyên án tù chung thân về tội “Nhận hối lộ”. 3 cựu lãnh đạo của SCB gồm Đinh Văn Thành, Bùi Anh Dũng, cựu Chủ tịch SCB và Võ Tấn Hoàng Văn cũng bị phạt tù chung thân. 81 bị cáo khác bị tuyên phạt từ 3 năm tù treo đến 20 năm tù.