C ó thể yêu cầu cơ quan đăng ký hộ tịch hoặc tòa án xác định người đó không phải là con mình, từ đó mới có căn cứ yêu cầu không cấp dưỡng nuôi con.
Bạn đọc hỏi:
“Được biết, theo quy định có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, người chồng không được ly hôn khi vợ đang có thai và trong khoảng thời gian nuôi con nhỏ.
Vậy nếu biết chắc con không phải của mình mà trong thời gian không được ly hôn, người chồng có thể làm gì nếu không muốn nuôi con thay người khác?”.
Luật sư Phan Thành Vũ Luân (Đoàn Luật sư TP.HCM) tư vấn như sau:
Thực hư quy định chồng không được yêu cầu ly hôn dù vợ đang có thai, sinh con với ai từ 01/7/2024
Theo Nghị quyết 01/2024 hướng dẫn áp dụng quy định của pháp luật trong giải quyết vụ việc về hôn nhân gia đình được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua ngày 24/4/2024 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2024.
Theo đó, khoản 3 Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về việc chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi được Nghị quyết 01/2024 hướng dẫn như sau:
- “Đang có thai” quy định tại khoản 3 Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 là khoảng thời gian vợ mang trong mình bào thai và được cơ sở y tế có thẩm quyền xác định cho đến thời điểm sinh con hoặc thời điểm đình chỉ thai nghén.
- “Sinh con” quy định tại khoản 3 Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 là thuộc một trong các trường hợp sau đây:
+ Vợ đã sinh con nhưng không nuôi con trong khoảng thời gian từ khi sinh con đến khi con dưới 12 tháng tuổi;
+ Vợ đã sinh con nhưng con chết trong khoảng thời gian dưới 12 tháng tuổi kể từ khi sinh con;
+ Vợ có thai từ 22 tuần tuổi trở lên mà phải đình chỉ thai nghén.
Luật sư Phan Thành Vũ Luân - Đoàn Luật sư TP.HCM.
- Chồng không có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn trong khoảng thời gian dưới 12 tháng tính từ ngày vợ sinh con hướng dẫn tại điểm a, điểm b khoản 2 Điều 2 của Nghị quyết 01/2024 hoặc ngày đình chỉ thai nghén hướng dẫn tại điểm c khoản 2 Điều 2 Nghị quyết này.
- Trường hợp vợ đang có thai, sinh con thì chồng không có quyền yêu cầu ly hôn mà không phân biệt vợ có thai, sinh con với ai.
- Trường hợp vợ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì chồng không có quyền yêu cầu ly hôn mà không phân biệt con đẻ, con nuôi.
- Trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo thì việc xác định quyền yêu cầu giải quyết ly hôn của chồng như sau:
+ Chồng của người mang thai hộ không có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi;
+ Chồng của người nhờ mang thai hộ không có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi vợ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi hoặc khi người mang thai hộ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Theo quy định được hướng dẫn ở trên thì có thể thấy đáng chú ý là trường hợp vợ đang có thai, sinh con thì chồng không có quyền yêu cầu ly hôn mà không phân biệt vợ có thai, sinh con với ai.
Tuy nhiên, quy định này không phải là quy định mới, mặc dù Nghị quyết 01/2024 sẽ có hiệu lực từ ngày 01/7/2024.
Như vậy, có thể thấy thì tại Luật Hôn nhân và gia đình qua các thời kỳ đều không có quy định về việc phân biệt vợ đang mang thai con của ai (tức không phân biệt cha của đứa bé là ai) và nội dung này được thể hiện một cách rõ ràng tại Nghị quyết 02/2000 của Hội đồng thẩm phán.
Do đó, quy định về việc chồng không được ly hôn khi vợ đang có thai, sinh con mà không phân biệt vợ có thai, sinh con với ai tại Nghị quyết 01/2024 không phải là quy định mới và việc có hiệu lực từ ngày 01/7/2024 là ngày có hiệu lực của văn bản, chứ không phải là từ ngày 01/7/2024 thì chồng không được ly hôn khi vợ đang có thai, sinh con mà không phân biệt vợ có thai, sinh con với ai còn trước đó thì được.
Trường hợp biết chắc con không phải của mình, người chồng có thể làm gì?
Luật Hôn nhân và gia đình (2014), Điều 88 quy định như sau:
Con được sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân được xác định là con chung của vợ chồng.
Con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm vợ chồng chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân.
Như thế, trẻ sinh ra trong các trường hợp nêu trên được pháp luật thừa nhận là con chung của vợ chồng. Có nghĩa là trẻ sinh ra đương nhiên có quyền được lập khai sinh tên người cha là người chồng tại thời điểm hôn nhân và có quyền được cha mẹ hợp pháp thương yêu, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục… kể cả quyền được thừa kế.
Tuy nhiên, Luật Hôn nhân và gia đình (2014), Điều 89 khoản 2 quy định: "Người được nhận là cha, mẹ của một người thì vẫn có thể yêu cầu tòa án xác định người đó không phải là con mình".
Điều 101 quy định:
1. Cơ quan đăng ký hộ tịch có thẩm quyền xác định cha, mẹ, con theo quy định của pháp luật về hộ tịch trong trường hợp không có tranh chấp.
2. Tòa án có thẩm quyền giải quyết việc xác định cha, mẹ, con trong trường hợp có tranh chấp hoặc người được yêu cầu xác định là cha, mẹ, con đã chết và trường hợp quy định tại Điều 92 của luật này.
Quyết định của tòa án về xác định cha, mẹ, con phải được gửi cho cơ quan đăng ký hộ tịch để ghi chú theo quy định của pháp luật về hộ tịch; các bên trong quan hệ xác định cha, mẹ, con; cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.
Căn cứ các quy định viện dẫn thì trường hợp người được nhận là cha, mẹ của một người thì vẫn có thể yêu cầu cơ quan đăng ký hộ tịch hoặc tòa án xác định người đó không phải là con mình.
Theo đó, người chồng có quyền yêu cầu cơ quan đăng ký hộ tịch hoặc tòa án xác định con của vợ không phải là con mình, từ đó mới có căn cứ yêu cầu không cấp dưỡng nuôi con.
Liên hệ luật sư tư vấn MIỄN PHÍ để lại câu hỏi bên dưới.