Sáng 26/3, TAND TP.HCM tiếp tục ngày thứ 15 xét xử sơ thẩm bị cáo Trương Mỹ Lan (68 tuổi, Chủ tịch HQĐT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và 85 bị cáo. Các luật sư tiếp tục bào chữa cho nhóm bị cáo là cựu lãnh đạo SCB.
Cựu giám đốc SCB chi nhánh Sài Gòn “Không làm theo sẽ bị đuổi việc”
Mở đầu, luật sư của bị cáo Lê Anh Phương (cựu Giám đốc SCB CN Sài Gòn, bị VKSND TP.HCM đề nghị 8-9 năm tù) trình bày, Lê Anh Phương làm việc tại SCB cũ từ tháng 7/2007, sau đó tiếp tục công tác tại SCB đến ngày 14/12/2020.
Các bị cáo tại Toà
Theo cáo trạng, từ ngày 24/8/2017 đến ngày 09/10/2020, Lê Anh Phương đã ký 99 tờ trình thẩm định cho vay cho 91 khách hàng thuộc Tập đoàn VTP, vay 119 khoản tại SCB, với tổng dư nợ đến ngày 17/10/2022 là 77.934 tỷ đồng.
Ngoài việc tham gia lập hồ sơ vay vốn khống, thực hiện chỉ đạo của Nguyễn Phương Hồng (cựu Phó Tổng giám đốc Ngân hàng SCB – đã chết), Lê Anh Phương đã phối hợp nâng khống giá trị tài sản và lùi ngày phát hành chứng thư để hợp thức cho 4 khoản vay của 4 Công ty “ma” thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát có tổng dư nợ đến ngày 17/10/2022 là 4.938 tỷ.
Trong đó, có 1 khoản vay tại SCB chi nhánh Sài Gòn và 3 khoản vay tại SCB Đông Sài Gòn có tổng dư nợ đến ngày 17/10/2022 là 3.615 tỷ đồng.
Hành vi của Lê Anh Phương đã giúp sức cho Trương Mỹ Lan rút tiền của SCB, gây thiệt hại cho SCB số tiền 72.374 tỷ đồng.
Tại tòa, luật sư bào chữa cho bị cáo Phương không tranh luận về tội danh, chỉ xin HĐXX xem xét lại hành vi phạm tội của bị cáo. Với mức án đề nghị 8-9 năm tù đối với bị cáo Phương là quá nghêm khắc. Bị cáo Phương không được trao đổi bàn bạc về công việc, chỉ làm theo chỉ đạo, nếu không làm theo cấp trên sẽ đuổi việc.
Luật sư lập luận “Các chi nhánh chỉ là 1 đơn vị kinh doanh, các giám đốc chi nhánh chỉ làm theo chỉ đạo. Những giám đốc này không có thẩm quyền thẩm định lại hồ sơ, chỉ lập hồ sơ giải ngân theo chỉ đạo”.
Luật sư trình bày thêm, khi phát hiện có sai phạm trong khoản vay, bị cáo có ý kiến thì bị lãnh đạo là mời lên làm việc, buộc làm theo chỉ đạo. Bị cáo không đồng ý nên nghỉ việc vào tháng 10/2020.
Trong các phiên tòa trước cho thấy, bị cáo Phương chỉ có vai trò thứ yếu, không kiểm soát được sai phạm trong các khoản vay. Trong thời gian bị cáo Phương làm giám đốc chi nhánh, bị cáo là người giúp sức không đáng kể, khi bị cáo Phương phát hiện ra sai phạm đã tự động nghỉ việc, nhất quyết không làm theo sai phạm.
Về các tình tiết giảm nhẹ hình phạt, bị cáo Phương tự nguyện nộp tiền khắc phục hậu quả, thành thật khai báo, gia đình có công cách mạng. Đồng thời trong thời gian dịch Covid-19, bị cáo Phương đã tham gia phòng chống dịch bệnh. Ngoài ra, bị cáo đã xây tặng nhà tình nghĩa cho dân nghèo....
VKSND TP.HCM luận tội
Luật sư đề đề nghị HĐXX áp dụng hình phạt dưới khung thấp nhất của khung hình phạt tại Điều 54 BLHS năm 2015.
Tự bào chữa, bị cáo Lê Anh Phương đồng thuận với ý kiến của luật sư, không có ý kiến bổ sung, chỉ mong HĐXX xem xét khoan hồng để sớm về với gia đình.
Tiếp tục phiên tòa là phần bào chữa của luật sư bị cáo Trần Thuận Hòa (cựu Thành viên HĐQT Ngân hàng SCB, bị VKSND TP.HCM đề nghị 4-5 năm tù).
Luật sư trình bày, bị cáo Hòa làm việc tại Ngân hàng TMCP Đệ Nhất từ tháng 12/2011, sau đó tiếp tục công tác tại SCB đến ngày 26/4/2013.
Từ ngày 25/7/2012 đến ngày 11/12/2012, Trần Thuận Hòa với vai trò là Thành viên HĐQT Ngân hàng SCB đã ký 2 biên bản họp biểu quyết đồng ý 71 khoản vay tại SCB.
Hành vi của Trần Thuận Hòa đã giúp sức cho Trương Mỹ Lan rút tiền của SCB, gây thiệt hại cho SCB là 2.371 tỷ đồng.
Về tình tiết giảm nhẹ, luật sư trình bày, bị cáo Hòa đã thành thật khai báo, ăn năn hối cải, đã khắc phục hậu quả vụ án. Ngoài ra gia đình bị cáo Hòa có công với cách mạng, phạm tội lần đầu, nhân thân tốt. Đặc biệt, bị cáo Hòa là người thực hiện hành vi thụ động, vai trò thứ yếu trong vụ án. Đồng thời luật sư cũng mong HĐXX xem xét, cân nhắc trước khi lượng hình, phù hợp tính chất mức độ hành vi bị cáo.
Bào chữa bổ sung, bị cáo Trần Thuận Hòa đồng tình với luật sư đã bào chữa cho bị cáo. Bị cáo Hòa khóc “Bị cáo tham gia SCB trong thời gian rất ngắn, không liên quan nhiều đến các hoạt động của SCB, mong HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo”.
Cựu Phó Tổng giám đốc Peninsula “Lúc đó cần tiền trả viện phí cho vợ, nuôi ba mẹ”
Chiều hôm qua (25/3), bào chữa cho bị cáo Nguyễn Phương Anh (Phó Tổng giám đốc Công ty Sài Gòn Peninsula, bị Viện KSND TP.HCM đề nghị từ 19 – 20 năm tù về tội tham ô tài sản), luật sư cho rằng, không có ý kiến về tội danh, nhưng mong HĐXX xem xét bối cảnh thực hiện hành vi phạm tội.
Bị cáo Nguyễn Phương Anh
Bị cáo Nguyễn Phương Anh lúc đó cần có tiền trả viện phí cho vợ, nuôi ba mẹ. Bản thân bị cáo chỉ là người làm công ăn lương, không được hưởng lợi ích gì, mức lương cao nhất từ 70 triệu - 120 triệu đồng/tháng.
Hành vi của Nguyễn Phương Anh không phải là nguyên nhân gây ra trực tiếp thiệt hại trong vụ án.
Về trách nhiệm dân sự, trong quá trình điều tra, bị cáo Phương Anh nộp 300 triệu đồng. Từ khi vụ án chưa được khởi tố bị cáo Phương Anh đã tích cực phối hợp với cơ quan điều tra, giảm thiểu thiệt hại cho vụ án.
Theo luật sư, bị cáo Phương Anh đứng tên là Phó tổng giám đốc Công ty Sài Gòn Peninsula cho có lệ, chứ không có quyền đúng nghĩa của Phó tổng giám đốc.
Phần tự bào chữa, bị cáo Nguyễn Phương Anh không có ý kiến thêm, chỉ mong HĐXX xem xét cho bị cáo được giảm nhẹ hình phạt.
Theo cáo trạng, Nguyễn Phương Anh là Phó tổng giám đốc Công ty Sài Gòn Peninsula, giúp sức cho Trương Mỹ Lan trong việc quản lý, điều hành tìm người đứng tên đại diện pháp luật các công ty "ma", đứng tên cổ phần, vay vốn, ký chứng từ rút, nộp tiền tạo dựng hồ sơ vay vốn khống và rút tiền giải ngân tại SCB.
Hành vi của Nguyễn Phương Anh đã giúp sức cho Trương Mỹ Lan chiếm đoạt 297.417 tỷ đồng, gây thiệt hại số tiền 128.730 tỷ đồng.
Đến phiên bào chữa cho bị cáo Đặng Phương Hoài Tâm (Trưởng văn phòng HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát), luật sư cho rằng Viện KSND TP.HCM đề nghị 19 – 20 năm tù về hành vi tham ô tài sản là nặng so với mức hành vi của bị cáo, mong bị cáo được xem xét giảm nhẹ mức án.
Bị cáo Đặng Phương Hoài Tâm
Theo luật sư, bị cáo Đặng Phương Hoài Tâm chỉ có nghiệp vụ trung cấp kế toán, nên năng lực quản lý của bị cáo còn hạn chế. Luật sư cho rằng ngồi ở vị trí đó thì bị cáo Tâm hay bất cứ người nào cũng phải làm theo chỉ đạo.
Tự bào chữa bổ sung, bị cáo Đặng Phương Hoài Tâm nói rằng, công việc quản lý thì bị cáo chỉ quản lý tài sản công ty, tài sản thế chấp ở Vạn Thịnh Phát chứ bị cáo không quản lý dư nợ của các công ty vay.
Theo cáo trạng, bị cáo Đặng Phương Hoài Tâm làm việc tại Văn phòng HĐQT của Công ty Vạn Thịnh Phát và Công ty Đầu tư Vạn Thịnh Phát từ tháng 9/2011. Ban đầu Tâm có nhiệm vụ quản lý, theo dõi tài sản của 2 công ty trên và các tài sản của Trương Mỹ Lan nhưng giao các cá nhân đứng tên sở hữu, đồng thời theo dõi các thông tin về việc thế chấp tài sản, dư nợ các khoản vay tại SCB và đưa thông tin các tài sản vào thế chấp cho SCB khi có yêu cầu của bị cáo Lan.
Cáo trạng xác định, tổng hợp trách nhiệm của Đặng Phương Hoài Tâm là 406 khoản vay còn dư nợ 257.286 tỷ đồng, và lãi phát sinh là 57.363 tỷ đồng.